Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc của một cá nhân Việt Nam được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Bộ sưu tập là một trong 74 hồ sơ được UNESCO khuyến nghị ghi danh trên tổng số 121 hồ sơ đề cử được xem xét trong kỳ họp này.
Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn Quốc tế Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, hồ sơ của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quốc tế với những giá trị nổi bật. Bộ sưu tập được bảo tồn tốt, có tính tiếp cận cao thông qua nền tảng số đa ngữ (https://hoangvan.org), góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.

Sưu tập tài liệu lưu trữ của nhạc sĩ Hoàng Vân (gọi tắt là Sưu tập tài liệu) gồm 700 tác phẩm, được nhạc sĩ sáng tác từ năm 1951 - 2010. Với khoảng 1.000 hạng mục, Sưu tập tài liệu gồm nhạc phổ, bản thu thanh, bản thảo chép tay hoặc bản in, video, bài báo, nhạc phim, phỏng vấn, sách và ấn phẩm âm nhạc.
Được hình thành và phát triển qua sáu thập kỷ, sưu tập này không chỉ là những tác phẩm có giá trị mang dấu ấn của nhạc sĩ Hoàng Vân, mà còn phản ánh một trong những bước ngoặt lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam, những biến chuyển của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam qua nhiều thời kỳ.
Với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc, các tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là tư liệu quý báu phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Nhạc phổ bản thảo viết tay
Sưu tập tài liệu còn đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu lịch sử và văn hóa âm nhạc. Đây là nguồn tư liệu khoa học quý, cung cấp những thông tin giá trị về một giai đoạn then chốt trong quá trình hình thành và phát triển của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, cũng như xã hội Việt Nam nói chung. Sưu tập này còn là công cụ tham chiếu hữu ích cho các nhà nghiên cứu về lịch sử âm nhạc Việt Nam, các nước trong khu vực và giới nghiên cứu quốc tế.
Ngoài những giá trị tại Việt Nam, sưu tập tài liệu còn mang tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Với ngôn ngữ âm nhạc hàn lâm, các nghệ sĩ khắp thế giới có thể dễ dàng tiếp cận và biểu diễn các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân, giúp công chúng yêu nhạc cổ điển quốc tế khám phá một nền âm nhạc giàu bản sắc văn hóa Việt Nam và có giá trị nghệ thuật cao, góp phần làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc cổ điển thế giới.

Sưu tập tài liệu mang sự toàn vẹn, phong phú về giá trị nội dung và đa dạng về chất liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tra cứu và nghiên cứu, là một điển hình về việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản tư liệu của một gia đình nghệ sĩ.
Sưu tập tài liệu lưu trữ của nhạc sĩ Hoàng Vân được ghi danh Di sản tư liệu thế giới không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ di sản tư liệu (lĩnh vực âm nhạc) thuộc sở hữu gia đình, cá nhân, cho thấy tính thực tiễn, hiệu quả của Luật Di sản văn hóa năm 2024, là động lực cho bảo vệ, phát huy giá trị của di sản tư liệu, góp phần khẳng định vị thế di sản văn hóa Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.
Việc ghi danh này đưa tổng số Di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO công nhận lên 11 di sản, trong đó có 4 Di sản tư liệu thế giới và 7 Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần làm dày thêm kho tàng di sản nhân loại.