Sáng lên chủ nghĩa anh hùng ca
Chứng kiến "đứa con tinh thần" lên màn ảnh rộng, được đông đảo khán giả đón nhận, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không khỏi xúc động. Ông bảo những trăn trở, day dứt, xoay đi đổi lại kịch bản hàng chục năm qua, những nỗ lực, cố gắng của toàn bộ êkíp nhằm đem đến cho người xem thêm một lời giải nghĩa cụm từ “Củ Chi - Đất thép anh hùng”, thêm một góc nhìn thay câu trả lời cho câu hỏi: Hòa bình có đẹp không?

Câu chuyện của bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Khi quân địch đang gia sức giáng những trận càn ác liệt, đội du kích Bình An Đông với 21 thành viên, do Bảy Theo (Thái Hòa thủ vai) chỉ huy, là những nông dân chân chất, cố bám trụ trong lòng đất chật hẹp, tăm tối, với nhiệm vụ hỗ trợ bảo vệ địa bàn an toàn cho nhóm tình báo chiến lược truyền đi những tài liệu mật quan trọng bằng sóng vô tuyến. Các cuộc liên lạc bằng vô tuyến điện tử bị quân đội Mỹ phát hiện và định vị. Từ đây, các chiến sĩ du kích phải đối diện với những cuộc càn quét địa đạo ngày càng khốc liệt…
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, ngay từ đầu, Địa đạo đã đặt ra câu chuyện chiến tranh nhân dân, những người dân cầm súng, mỗi người đều tham gia, đóng góp sự thông minh, quyết tâm của mình vào cuộc chiến. Như trận càn lịch sử Cedar Falls tháng 1.1967 (trận càn lớn nhất của Mỹ vào Củ Chi) gây tổn thất rất lớn cho quân và dân Củ Chi, nhưng du kích vẫn bám trụ ở đó. Nhiệm vụ tối cao mà du kích Củ Chi phấn đấu không phải “bắn lính Mỹ được phong dũng sĩ”, mà làm sao người Mỹ không có cách nào lôi họ lên khỏi địa đạo, phá hủy địa đạo. Người này hy sinh sẽ có người khác, địa đạo bị sập sẽ có những địa đạo khác, tạo ra sức mạnh bẻ gãy ý chí quân thù.
Bởi vậy, suốt 128 phút của bộ phim, hầu hết là những cảnh quay trong địa đạo. Đối lập với bầu không khí ngột ngạt dưới mặt đất là khát vọng sống, sức sống khủng khiếp của những người lính. Cuộc sống của họ có đủ cung bậc cảm xúc, khi bỗ bã đời thường, khi xúc động, khi tức giận, cũng có lúc sợ hãi, yếu mềm… nhưng luôn vững vàng ý chí, sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Chủ nghĩa anh hùng ca, chiến tranh nhân dân như sợi chỉ đỏ xuyên suốt bộ phim, được thể hiện súc tích qua lời của chú Sáu (NSƯT Cao Minh thủ vai) khi bị bắt trước hầm địa đạo đã bình thản nói với địch: “Chắc tụi bây không biết sức mạnh của Việt Cộng là ở đâu phải không? Trước tụi bây là tụi thực dân Pháp, cũng tàu to súng lớn thiện chiến lắm… nhưng đánh nhau lúc nào và như thế nào là do tụi tao quyết định. Biến hóa khôn lường. Chiến tranh nhân dân, địa đạo là chiến tranh nhân dân. Tụi bây không cách chi thắng được”.
Sống cùng lịch sử
Buổi ra mắt tại Hà Nội tối 2.4, Địa đạo nhận được nhiều chia sẻ xúc động và cả thán phục của đông đảo khán giả, các nghệ sĩ và người yêu điện ảnh. Ngày 4.4, phim chính thức công chiếu toàn quốc. Đến chiều 10.4, phim đã đạt doanh thu hơn 97 tỷ đồng. Với sức hút như hiện tại, Địa đạo hứa hẹn những thành tích cao hơn.
Trong bài “Chiến thắng nức lòng của Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối”, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm viết: “Phải rất nhiều năm rồi, dòng phim đề tài lịch sử - chiến tranh của điện ảnh Việt Nam mới trở lại đỉnh cao một lần nữa, trong một dịp lễ rất đặc biệt: 50 năm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước”.
Thành công của bộ phim là khắc họa chân xác, xúc động khoảnh khắc đời thường của những người lính du kích nhỏ bé nhưng quả cảm; là dấu ấn vượt thoát ra ngoài những minh họa đơn giản về chiến tranh như nhiều bộ phim trước đây. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã mất 11 năm ấp ủ trước khi bắt tay làm phim, tiếp xúc với nhân chứng, thực tế, tìm hiểu tài liệu, phim ảnh.
Ông tâm sự: “Làm phim chiến tranh đòi hỏi kinh phí rất lớn. Tôi chỉ có suy nghĩ rằng nếu không đủ thì không làm, vì làm không tới sẽ có lỗi với vùng đất ấy, với cuộc chiến ấy. Cứ thế, tôi đi tìm cơ hội trong 7 - 8 năm qua, càng để lâu càng thấy sôi sục, quyết tâm. Vì tôi nhìn thấy câu chuyện dân tộc, đất nước mình ở đó, nhìn thấy cách mà họ luôn nói tại sao một dân tộc bé như vậy mà lại chiến đấu với những kẻ thù lớn và giành chiến thắng. Tôi không có hoài bão lý giải chuyện đó nhưng phải kể cho mọi người những gì mình thấy”.
Để kể về lịch sử, những người làm phim đã thực sự sống cùng lịch sử. Trong suốt 12 tháng chuẩn bị và 12 tháng quay phim, hầu hết diễn viên tập trung hoàn toàn cho vai diễn, không tham gia dự án nào khác. Nhiều người giảm cân, luyện tập sức khỏe để sống được trong địa đạo, thường xuyên mang súng kể cả trong khi ngủ… để tái tạo khí chất, tinh thần của du kích Củ Chi.
Diễn viên Thái Hòa nhớ lại quãng thời gian “sống” với địa đạo, “khom lưng” cùng vai diễn: “Diễn viên quay cảnh chui trong địa đạo bê cái súng đi khum khum, còn người quay phim phải bê cái máy quay nặng hơn rất nhiều, cũng phải đi khum khum. Mình đi tới còn họ phải đi lùi. Mà lạ thay, đứng trước máy quay sao mình không thấy ai là diễn viên cả, mình chỉ thấy đồng đội của mình thực sự, mình rất là thương thôi”.
Ấn tượng với từng góc quay, hình ảnh, lời thoại của nhân vật trong phim, Cục trưởng Cục Điện ảnh, NSND Xuân Bắc cho rằng dường như qua Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, chúng ta thấy sự hy sinh của cả một dân tộc để xây dựng nền độc lập, tự do hôm nay. “Là phim chiến tranh, là sự hy sinh nhưng cái mà chúng ta thấy là khát khao yêu thương, là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình và giá trị nhân văn dân tộc”, NSND Xuân Bắc nhận định.