Hướng tới tương lai không rác thải nhựa
Du lịch xanh là loại hình du lịch phát triển theo hướng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa. Các sản phẩm du lịch được xây dựng theo tiêu chí thân thiện với môi trường.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và cạn kiệt tài nguyên, ngành du lịch buộc phải chuyển mình. Nhiều năm nay, du lịch Việt Nam đã xác định phát triển du lịch xanh là mục tiêu hàng đầu. “Từ năm 2018 - 2019, Hiệp hội đã vận động doanh nghiệp du lịch chung tay bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa. Sau đại dịch Covid-19, chúng tôi tiếp tục xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh (VITA GREEN), nhằm cung cấp công cụ thực tiễn, rõ ràng cho các doanh nghiệp và điểm đến du lịch trên cả nước", ông Bình chia sẻ.

Phát triển các điểm đến xanh là đòi hỏi tất yếu, là cơ hội chiến lược để nâng tầm du lịch Việt Nam, ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, nói. Theo ông, ngành du lịch Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nhờ sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên phong phú và di sản văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững là điều không thể tránh khỏi. Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch tại Việt Nam” do UNDP triển khai, tài trợ thông qua Quỹ Môi trường toàn cầu, đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch hướng tới mục tiêu không rác thải nhựa, ông Haverman cho biết.
Làm thế nào để chuyển đổi xanh hiệu quả?
Để hướng tới du lịch xanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cho rằng cần tập trung vào bốn trụ cột chính: quy hoạch xanh, quản lý điểm đến hiệu quả, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
GS.TS.NGND. Nguyễn Văn Đính, Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch, nhấn mạnh, chuyển đổi xanh cần bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm về du lịch bền vững. Du khách cần được giáo dục để ưu tiên những trải nghiệm gần gũi thiên nhiên, hạn chế du lịch đường dài bằng đường hàng không. Các cơ sở lưu trú nên hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, tiết kiệm năng lượng, nước và sử dụng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, việc bảo vệ hệ sinh thái và tránh khai thác quá mức tài nguyên là yêu cầu cấp thiết.

Ninh Bình là địa phương tích cực phát triển du lịch xanh, bền vững. Ảnh: D. Anh
Bên cạnh đó, theo Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch, chuyển đổi xanh cũng đồng nghĩa với việc phát triển du lịch cộng đồng và kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân địa phương, khuyến khích sử dụng sản phẩm hữu cơ, hàng thủ công và phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe đạp, xe điện, phương tiện công cộng.
Từ thực tế chuyển đổi xanh, ông Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup, cho biết, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải và sử dụng vật tư thân thiện với môi trường do chi phí cao và thời gian hoàn vốn dài. Tuy vậy, LuxGroup đã nỗ lực loại bỏ chai nhựa dùng một lần, thay thế túi nilon bằng túi vải, trang bị thiết bị tiết kiệm điện cho cả văn phòng và du thuyền. Đồng thời, doanh nghiệp còn thuyết phục các đối tác - đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa - cùng cam kết chuyển đổi xanh.
Theo ông Phạm Hà, bốn yếu tố cốt lõi làm nên thương hiệu du lịch Việt Nam gồm: văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực và con người. Muốn phát triển du lịch xanh, cả bốn yếu tố này cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng năng lượng sạch, giảm thiểu rác thải, bảo tồn văn hóa bản địa và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, du khách. "Du lịch xanh không chỉ là trồng thêm cây hay giữ gìn vệ sinh mà còn phải hướng đến Net Zero - nghĩa là tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng sạch”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam, hiện nay sản phẩm du lịch xanh còn khó tiếp cận thị trường đại chúng do giá thành cao, thiếu sức cạnh tranh và chưa được truyền thông rõ ràng. Trong khi đó, các doanh nghiệp xanh chưa được hưởng ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng hay đấu thầu. Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều vướng mắc trong tiếp cận vốn và công nghệ, khiến quá trình chuyển đổi còn chậm. Đây là những bất cập cần được giải quyết trong thời gian tới.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã triển khai mô hình du lịch bền vững và đạt được một số kết quả tích cực, như: Tràng An - Ninh Bình, Khu du lịch sinh thái Thung Nham - Ninh Bình, Mũi Né Bay Resort - Bình Thuận, Furama Resort - Đà Nẵng, H’Mong Village Resort - Hà Giang... Tuy nhiên, họ vẫn gặp trở ngại về nhân lực chuyên môn, chi phí đầu tư và khó khăn trong việc thay đổi thói quen quản lý. “Muốn thực hiện thành công, cần sự đồng hành từ lãnh đạo đến nhân viên, cộng đồng và cả du khách - bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất”, ông Thắng nói.