Áo dài trong khói lửa chiến tranh
Sinh năm 1948 tại Tây Ninh, bà Võ Thị Bạch Tuyết theo học tại Trường Đại học Văn Khoa (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và bắt đầu tham gia phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh - sinh viên như: tuyệt thực, biểu tình chống tăng thuế, chống quân sự học đường, đốt xe Mỹ. Bà
Tuyết thường tham gia các cuộc biểu tình ở khu "tam giác sắt" gồm Trường Đại học Nông Lâm Súc, Trường Đại học Văn Khoa và Trường Đại học Dược (Sài Gòn). Có lần, tham gia biểu tình bị đàn áp, bà cột hai tà áo dài lại và leo rào, nhảy vào Trường Đại học Dược, sau đó mở hai tà áo và đi lại như sinh viên trong trường.
Năm 1971, bà Tuyết là Chủ nhiệm Chiến dịch đốt xe Mỹ. Dụng cụ đốt xe thường là những túi nylon nhỏ đựng xăng giấu trong cặp đi học và một bó quẹt diêm. Khi tham gia đốt xe, bà thường hay mặc áo dài trắng, phần để tránh bị nghi ngờ, còn nếu bị lộ thì sẽ trà trộn vào các trường giả làm sinh viên để trốn thoát.

Đây là một trong nhiều câu chuyện được giới thiệu tại triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” khai mạc sáng 12.4 tại Hà Nội. Tại đây, câu chuyện của nhiều phụ nữ Sài Gòn được ghi lại, cho người xem thấy một thời phụ nữ Việt Nam kiên cường đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc.
Đó là câu chuyện các bà Nguyễn Thị Cúc, Hứa Kim Anh, Lê Thị Sáu, cựu tù chính trị Nguyễn Thị Châu… tham gia Hội thanh niên, học sinh - sinh viên giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Mặc dù bị cảnh sát đàn áp dã man, nhưng trong tà áo dài trắng, các bà vẫn vượt qua vòng kiềm tỏa của cảnh sát và mật vụ Sài Gòn, đấu tranh chống khủng bố, chống đàn áp, bảo vệ thanh niên, chống bắt lính…


Hay phong trào "Phụ nữ đòi quyền sống" do luật sư Ngô Bá Thành thành lập năm 1970, kêu gọi phụ nữ đòi “cải thiện chế độ lao tù", đòi quyền sống cho chồng con, em cháu và cho chính mình. Các "má" đã không ngại nguy hiểm, khó khăn, tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn cũ; tham gia làm biểu ngữ, tiếp tế lương thực, dụng cụ chống lựu đạn cay cho học sinh, sinh viên trong những đợt đấu tranh...
Nền nã và kiêu hãnh trên mặt trận ngoại giao
Trên mặt trận ngoại giao, tà áo dài cũng đồng hành với phụ nữ Việt Nam làm nên những kỳ tích, góp phần vào thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất non sông, đất nước.

Tiêu biểu là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam.Tà áo dài đã cùng bà Bình trên những chuyến ra nước ngoài đầu thập niên 1960, khi là thư ký của bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; khi trong vai trò Trưởng đoàn đại biểu sinh viên miền Nam Việt Nam tại Đại hội thanh niên sinh viên quốc tế ở Ba Lan.
Đặc biệt, từ 1968 - 1972, bà Bình đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; tại Hội nghị 4 bên tại Paris, "Madame Binh" trong hình ảnh áo dài duyên dáng, phong thái dịu dàng nhưng ý chí sắt đá, lý lẽ sắc bén đã nhận được sự ủng hộ của thế giới dành cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Chiếc áo dài của nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình được nhận xét là "nền nã, kiêu hãnh tại Hội nghị Paris năm 1973. Tà áo đi vào lịch sử như một biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa Việt Nam; khắc sâu trong ký ức nhân loại về một đất nước yêu chuộng hòa bình, kiên cường và bất khuất".
Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Văn Biểu cho biết, gần 100 hình ảnh tại triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” là những chứng tích anh hùng của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Ban tổ chức mong muốn qua hình ảnh những tà áo dài, giúp công chúng, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.