Hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2022
- Năm 2022 vừa đi qua để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu và gặt hái được những thành công nhất định. Mặc dù trong những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn, đã ảnh hưởng phần nào đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2022 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2022 đề ra.
- Nổi bật là, về công tác lập pháp, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành thẩm tra và trình Quốc hội thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động (tại Kỳ họp thứ Ba); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá (tại Kỳ họp thứ Tư) với tỷ lệ đại biểu đồng thuận rất cao. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đã tiến hành tổ chức thẩm tra đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư.
Về công tác giám sát, khảo sát, Ủy ban đã tổ chức thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2022; kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy năm 2022, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư. Trong các dự án, dự thảo mà Ủy ban chủ trì thẩm tra có nhiều nội dung khó như dự án Luật Phòng thủ dân sự, nhiều nội dung phải triển khai nhanh, trong thời gian ngắn, nhưng Thường trực Ủy ban, tập thể Ủy ban đã thẩm tra, thẩm định, tham mưu chính xác, phù hợp, đạt kết quả cao.
Về công tác đối ngoại, năm 2022, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban đã tổ chức thực hiện công tác đối ngoại về quốc phòng, an ninh đạt hiệu quả cao. Điển hình là đã tổ chức Đoàn đi thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc và các hoạt động của Đoàn được các đối tác ghi nhận, đánh giá rất cao. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban đã tham gia các đoàn công tác của Lãnh đạo Quốc hội thăm và làm việc với Lào, Campuchia, Philippines, UAE, Iran… Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.
Không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Ủy ban
- Có thể nói, Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ủy ban Quốc phòng và An ninh, được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức Ủy ban qua các khóa của Quốc hội. Đồng thời, đây là kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực liên tục của tập thể Ủy ban từ Quốc hội Khóa IX đến Khóa XV trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh; sự tận tụy của đội ngũ cán bộ, công chức Vụ Quốc phòng, An ninh trong công tác tham mưu, giúp việc phục vụ Ủy ban.
Những kết quả đạt được nêu trên có thể khái quát trên một số kinh nghiệm sau:
Một là, phải luôn xác định việc nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Ủy ban không ngoài mục tiêu giúp cho Quốc hội hoàn thành tốt các chức năng hiến định và để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh. Xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Quốc hội, từ đó xây dựng cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của Ủy ban một cách chi tiết, rõ ràng. Toàn bộ những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban, thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giao phụ trách; giới hạn thẩm quyền hoạt động của Ủy ban liên quan đến những vấn đề quan trọng, đặc biệt là của đất nước… phải luôn được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng rõ ràng, rành mạch đúng với tinh thần pháp chế XHCN - cơ quan nhà nước phải làm và chỉ được làm những gì pháp luật yêu cầu và cho phép.
Hai là, việc bố trí tổ chức và nhân sự của Ủy ban phải tương thích với vị trí, nhiệm vụ và quyền hạn đã được pháp luật quy định. Do đó, Ủy ban thường xuyên nghiên cứu tổ chức Thường trực Ủy ban một cách hợp lý, các tiểu ban bảo đảm hoạt động có hiệu quả; bảo đảm tính độc lập trong hoạt động, sự cân đối hài hòa yêu cầu xây dựng quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, trật tự an toàn xã hội; sự kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh và tăng cường quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, trong hoạt động phải luôn quán triệt tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, phát huy sức mạnh tập thể cùng với kinh nghiệm, khả năng của từng thành viên, kế thừa sáng tạo kinh nghiệm của các khóa trước.
Bốn là, song song với đổi mới về tổ chức và hoạt động của Ủy ban, việc tổ chức và kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của cơ quan giúp việc cũng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Thường trực Ủy ban thường xuyên phối hợp với Văn phòng Quốc hội để bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất làm việc thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ công chức tham mưu giúp việc phục vụ Ủy ban để có điều kiện đi sâu nghiên cứu chính sách pháp luật về quốc phòng, an ninh; đồng thời quan tâm chế độ đãi ngộ, nhất là số sĩ quan biệt phái sao cho công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi.
- Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban đã có sự chuẩn bị và kế hoạch hành động như thế nào, thưa ông?
- Năm 2023, hoạt động lập pháp của Ủy ban sẽ tập trung vào các dự án Luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2022, bổ sung năm 2023. Ủy ban sẽ tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát phục vụ công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, bảo đảm đúng quy định và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Đặc biệt là tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị “Về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV”, Nghị quyết 12, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Quân đội, Công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!