Xác định rõ là luật hình thức hay luật nội dung
Thời gian triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản vừa qua cho thấy, đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản ngày càng lớn mạnh. Trình tự, thủ tục đấu giá thống nhất, chặt chẽ, phân định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá. Nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn. Qua đó, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, việc thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trước yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động đấu giá tài sản, bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện đấu giá, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để nâng cao chất lượng hoạt động này, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách.
Việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản góp phần bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản. Khẳng định điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, trước hết phải xác định rõ đây là luật nội dung hay luật hình thức. Nếu là luật hình thức, thì chỉ quy định về trình tự, thủ tục; còn nếu là luật nội dung, thì phải nêu rõ những loại tài sản nào được đấu giá. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét thêm về phạm vi sửa đổi để có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Về thuật ngữ đối với các loại tài sản tham gia đấu giá, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cũng cần đối chiếu với Luật Lâm nghiệp, Luật Địa chất và Khoáng sản… nhằm bảo đảm sự đồng bộ giữa các văn bản luật có liên quan.
Cho ý kiến về quy định về tài sản đấu giá, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung nêu vấn đề, qua đối chiếu với Luật Đấu giá tài sản hiện hành có quy định “tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia”. Tuy nhiên, dự thảo Luật lần này lại bỏ “hàng dự trữ quốc gia” ra khỏi danh mục tài sản đấu giá. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần làm rõ lí do tại sao lại bỏ nội dung này? Bởi, theo Điều 44, Luật Dự trữ quốc gia, thì phương thức bán hàng dự trữ quốc gia là qua bán đấu giá, bán chỉ định và bán trực tiếp, rộng rãi cho mọi đối tượng. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 45, Luật Dự trữ quốc gia nêu rõ, bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá. Nếu dự thảo Luật bỏ nội dung về “hàng dự trữ quốc gia” sẽ tạo khoảng trống pháp lý giữa 2 luật.
Bổ sung quy định về thời gian phải nộp tiền trúng đấu giá
Liên quan đến tỷ lệ tiền đặt trước khi tham gia đấu giá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, đây là một trong những nội dung dẫn đến hiện tượng bỏ "cọc" các dự án thời gian vừa qua. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng mức tiền đặt trước lên tối thiểu 5% và tối đa 20% để bảo đảm tìm được nhà đầu tư thực sự có năng lực, tránh việc "thổi giá" nhằm tạo “cơn sốt ảo”.
Trong Luật Đấu giá tài sản hiện hành chưa có quy định cụ thể về thời gian và chế tài đối với người trúng đấu giá, đặc biệt là đối với đấu giá quyền sử dụng đất. Nêu vấn đề này, Ủy viên Thường trực Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị bổ sung quy định cụ thể trong dự thảo Luật về thời gian “cứng” phải nộp tiền trúng đấu giá. Đồng thời, nên có thời gian tối đa, chẳng hạn quy định trong 25 - 30 ngày, người trúng đấu giá phải nộp tiền, nếu không nộp và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính sẽ bị hủy kết quả đấu giá để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Dự thảo Luật lần này cũng đã bổ sung tại khoản 1a Điều 39 về “trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn, liệu mức quy định này đã thực sự đáp ứng được mong mỏi bảo đảm sự minh bạch của thị trường bất động sản hay chưa? Các đại biểu đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung điều kiện để những doanh nghiệp không thể bỏ khoản tiền đặt trước trong quá trình tham gia đấu giá.
Đối với tài sản đấu giá có điều kiện, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất, để thực hiện dự án hoặc khai thác khoáng sản, có ý kiến cho rằng, trước khi đưa ra đấu giá nên có quy định về điều kiện được tham gia đấu giá như: hồ sơ, năng lực, kinh nghiệm tích lũy của nhà đầu tư nhằm bảo đảm tính minh bạch và chất lượng của dự án.
Trước những vấn đề được các đại biểu đưa ra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xem xét trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. Đối với mức tiền đặt trước khi đấu giá và thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, có thể quy định theo hướng điều chỉnh tỷ lệ tiền và thời gian phù hợp với quy mô, giá trị tài sản để bảo đảm tính khả thi, ngăn ngừa hành vi gây rối loạn hoạt động đấu giá, và quan trọng nhất là bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.