Theo CNBC, Bộ Thương mại Mỹ mới đây công bố thông báo đầu tiên về cơ hội tài trợ cho Chương trình Trung tâm đổi mới và công nghệ khu vực, được gọi là Trung tâm công nghệ. Chương trình khởi động quy trình cho các nhóm đủ điều kiện trên khắp đất nước đăng ký để được chỉ định là Trung tâm công nghệ. Việc chỉ định đó mang lại cho họ cơ hội tận dụng các quỹ để biến khu vực của mình thành nơi hấp dẫn cho các doanh nhân lẫn nhà công nghệ sinh sống và làm việc.
Theo Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, “Mỹ dẫn đầu thế giới về đổi mới công nghệ. Nhưng thực tế đáng buồn là hệ sinh thái công nghệ của chúng ta cực kỳ tập trung”. Bà lưu ý, 80% tiền đầu tư mạo hiểm của Mỹ được đổ vào vào khu vực Vịnh San Francisco, Đông Bắc và Nam California. Trong khi đó, “có rất nhiều tiềm năng đổi mới công nghệ trên khắp đất nước. Ở Mỹ, chúng ta có những tổ chức nghiên cứu tốt nhất trên thế giới. Đó là điều không thể chối cãi. Và thẳng thắn mà nói, nhiều trong số đó chỉ tập trung ở vùng trung tâm nước Mỹ”, bà nói.
Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 10 tỷ USD cho chương trình từ năm tài chính 2023 đến 2027, trong đó 500 triệu được phân phối trong năm nay. Tổng thống Joe Biden yêu cầu cung cấp 4 tỷ USD cho các Trung tâm công nghệ trong ngân sách năm tới. Mỹ dự định phát triển khoảng 20 thành phố thành các Trung tâm công nghệ, trong đó 10 thành phố có thể nhận được tài trợ của chính phủ.
Các ứng viên đủ điều kiện là các nhóm bao gồm ít nhất một thực thể từ mỗi loại sau: tổ chức giáo dục đại học, phân khu của chính quyền địa phương hoặc tiểu bang, ngành hoặc công ty trong lĩnh vực công nghệ hoặc sản xuất có liên quan, nhóm phát triển kinh tế và tổ chức lao động hoặc nhóm đào tạo lực lượng lao động. Theo quy chế, các Trung tâm công nghệ nên tập trung vào một nhóm lĩnh vực công nghệ chính cụ thể, bao gồm trí tuệ nhân tạo, người máy, phòng chống thiên tai, công nghệ sinh học, an ninh mạng, hiệu quả năng lượng,…
Bộ trưởng Raimondo coi chương trình trên là khoản đầu tư quan trọng vào an ninh quốc gia của Mỹ. Bà chỉ ra những nỗ lực hiện tại của Mỹ thông qua Đạo luật Chip và khoa học để đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn trong nước, vốn đã trở thành ưu tiên cấp bách của lưỡng đảng khi đại dịch cho thấy chuỗi cung ứng chip máy tính mong manh như thế nào. Bởi hầu hết các chip tiên tiến không được sản xuất tại Mỹ và sự phụ thuộc của ngành vào chip sản xuất tại Đài Loan khiến chuỗi cung ứng đặc biệt dễ bị tổn thương do căng thẳng với Trung Quốc.
“Chương trình Trung tâm công nghệ nhằm bảo đảm điều đó không xảy ra lần nữa, bảo đảm chúng ta luôn dẫn đầu về các công nghệ thiết yếu khác, từ lượng tử đến trí tuệ nhân tạo hay công nghệ sinh học”, bà khẳng định.