Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, bà Raimondo nói rằng các khoản đầu tư theo Đạo luật CHIPS và Khoa học, sẽ “đưa quốc gia này đi đúng hướng với năng lực sản xuất khoảng 20% lượng vi mạch tân tiến nhất thế giới” vào năm 2030.
Mục tiêu tham vọng
“Chúng ta cần sản xuất những vi mạch bán dẫn này ở Mỹ. Chúng ta cần phát triển nhiều tài năng hơn nữa ở Mỹ. Chúng ta cần nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển hơn ở Mỹ cũng như sản xuất ở quy mô lớn nhiều hơn”, Bộ trưởng Mỹ phát biểu.
Được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào năm 2022, Đạo luật CHIPS và Khoa học cho phép cung cấp khoảng 280 tỷ USD để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sản xuất vi mạch bán dẫn. Vi mạch bán dẫn, hay còn gọi là mạch tích hợp, được sản xuất thuần túy từ các nguyên tố, điển hình là silicon hoặc germanium.
Bà Raimondo nói: “Chúng ta đều biết vi mạch bán dẫn quan trọng như thế nào. Lĩnh vực này có mặt ở mọi sản phẩm, từ cần gạt nước kính chắn gió trên ô tô, điện thoại thông minh, máy điều hòa nhịp tim và gần như mọi thiết bị quân sự”.
Bà nói thêm: “Vi mạch ở khắp mọi nơi, trong mọi thứ thiết yếu đối với cuộc sống của chúng ta - từ lúc quý vị thức dậy vào buổi sáng cho đến khi quý vị đi ngủ”.
Hiện tại, theo bà Gina Raimondo, sản lượng vi mạch bán dẫn trong nước đang là con số 0. Tuy nhiên, Mỹ hy vọng sẽ củng cố vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, đặc biệt là các vi mạch cần thiết để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Mỹ là quốc gia đi đầu về thiết kế vi mạch và phát triển các mô hình ngôn ngữ AI. Tuy nhiên, hiện tại Mỹ chưa sản xuất được các vi mạch tân tiến cần thiết cho AI.
“Sự thật là AI sẽ là công nghệ quyết định trong thế hệ của chúng ta. Nước Mỹ không thể dẫn đầu về AI nếu không dẫn đầu trong việc sản xuất những vi mạch tân tiến nhất. Và vì vậy, công việc của chúng ta trong việc thực hiện đạo luật CHIPS trở nên quan trọng hơn rất nhiều”.
Hỗ trợ những dự án sớm hoạt động
Theo bà Raimondo, chính phủ liên bang đã nhận được hơn 600 đề nghị từ các công ty bán dẫn quan tâm đến việc nhận nguồn tài trợ từ đạo luật CHIPS nhưng Bộ sẽ ưu tiên các dự án có thể đi vào hoạt động vào năm 2030.
“Chúng tôi đã quyết định ưu tiên các dự án sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030. Tôi muốn nói rõ: Có rất nhiều đề nghị đáng giá mà chúng tôi đã nhận được với kế hoạch đưa vào hoạt động sau năm 2030. Nhưng hiện tại, chúng tôi chưa thể đồng ý với những dự án đó vì chúng tôi muốn có được kết quả ngay trong thập niên này”.
Cuộc đua công nghệ
Cuối năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden đã mở rộng các hạn chế đối với xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc. Các quy định mới của Mỹ yêu cầu các công ty có trụ sở hoặc công ty mẹ ở bất kỳ một trong khoảng 20 quốc gia bị Mỹ cấm vận vũ khí phải có giấy phép mới được xuất khẩu các loại chip được kiểm soát và thành phần sản xuất các loại chip này sang Trung Quốc. Quy định này vốn trước đó chỉ được áp dụng đối với Trung Quốc và Ma Cao (Trung Quốc) nhằm ngăn chặn các công ty có được công nghệ của Mỹ thông qua các chi nhánh ở nước ngoài.
Các hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc từng được Mỹ công bố tháng 10 năm ngoái và các hạn chế bổ sung được ban hành trong bối cảnh Mỹ quan ngại công nghệ AI tiên tiến sẽ được Trung Quốc sử dụng để mở rộng năng lực quân sự.