Từng bước hình thành thị trường mua sắm xanh
Việt Nam đang đẩy mạnh các hành động hướng tới một nền kinh tế xanh, trung hòa carbon vào năm 2050. Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đến năm 2030, tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm đạt ít nhất 35% và tăng lên 50% vào năm 2050. Điều này đòi hỏi các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy mua sắm công xanh - đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thị trường xanh ở nước ta.
Trên thực tế, “Việt Nam đã ban hành các chính sách về mua sắm xanh, mua sắm công xanh, từng bước hình thành thị trường mua sắm xanh”, Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Hồ Công Hòa phát biểu tại hội thảo "Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công" diễn ra sáng 10.10.
Ông Hòa cho biết, các yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được đề cập trong hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu đối với nhà đầu tư và nhà thầu. Tuy nhiên, các quy định mới chủ yếu yêu cầu giải pháp hạn chế các tác động đến môi trường của dự án, đặc biệt là giai đoạn thi công (quy định trong Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và dự án đầu tư có sử dụng đất - Thông tư số 09; Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia - Thông tư số 08).
Phân tích rõ hơn, ông Hồ Công Hòa lấy dẫn chứng, tại Thông tư số 09 đã lồng ghép các tiêu chí về môi trường vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư, như yêu cầu về phương án bảo vệ môi trường, đánh giá tác động tiêu cực với môi trường và biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, thông tư lại thiếu các cam kết tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, cam kết về tình hình khiếu kiện về môi trường; thiếu yêu cầu nhà đầu tư cung cấp thông tin về năng lực, kinh nghiệm bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Cũng theo ông Hồ Công Hòa, một số hồ sơ về mua sắm có quy định yêu cầu nhà thầu cung cấp các thông tin về môi trường nhưng mới nêu ra trong trường hợp có yêu cầu mua sắm bền vững, mà chưa có các tiêu chí cụ thể, cách thức lồng ghép vào các hồ sơ và đánh giá hồ sơ thầu chưa được thể hiện trong hồ sơ yêu cầu sơ tuyển cho đến hồ sơ mời thầu. Các yếu tố liên quan đến đầu vào, phân tích chi phí lợi ích mở rộng (đối với môi trường và khí hậu) chưa được đề cập…
Phải lường tới các thách thức
Mua sắm công xanh được xác định là xu hướng tất yếu nhằm cụ thể hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế.
Để thúc đẩy mua sắm công xanh, các chuyên gia của CIEM đề xuất, cần có quy định trực tiếp điều chỉnh hoạt động mua sắm công xanh, như bắt buộc và khuyến khích lồng ghép các tiêu chí môi trường vào quá trình lựa chọn nhà thầu tốt nhất. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, mua sắm công phải dựa trên quy luật cung và cầu thị trường hàng hóa và dịch vụ công, do đó cần tổ chức điều tra, đánh giá doanh nghiệp xanh, khả năng cung ứng dịch vụ, hàng hóa xanh của thị trường, đặc biệt là khả năng của doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, cần thể chế hóa chính sách mua sắm công xanh, nhằm tạo ra những công cụ chính sách quan trọng để thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chính sách phải bảo đảm công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh truyền thông về mua sắm xanh; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là kinh doanh tuần hoàn. Các bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh, đặc biệt là chỉ tiêu về chi tiêu công theo tiêu chuẩn xanh vào lập dự toán ngân sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm…
Các chuyên gia của CIEM cũng đề xuất 2 phương án lồng ghép các tiêu chí môi trường vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu. Phương án thứ nhất là ban hành thông tư riêng về mua sắm công xanh, hoặc thông tư sửa đổi, bổ sung một phụ lục riêng về mua sắm công xanh của Thông tư số 09 và Thông tư số 08. Phương án thứ hai là Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung lồng ghép các tiêu chí môi trường và các mẫu biểu hồ sơ mời thầu được quy định tại hai thông tư này.
Theo bà Vũ Quỳnh Lê, chuyên gia về đấu thầu, để thúc đẩy mua sắm công xanh đòi hỏi nỗ lực chung, có sự phụ thuộc lẫn nhau. Trước khi xét ở cấp Thông tư, phải có quy định tại Luật Đấu thầu, như: cơ chế phân luồng để xác định xanh/thông thường; cơ chế vừa động vừa mở để có sức ép triển khai, từng bước áp dụng/đẩy yếu tố xanh; sự phối hợp/khớp nối giữa các cơ quan theo đúng chức năng nhiệm vụ.
“Phải lường tới các thách thức như tăng rào cản dự thầu, vì yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh hơn và mỗi xác nhận lại là một thủ tục, lại phát sinh chi phí; lạm dụng các yếu tố phi giá; không xác định/lượng hóa được tác động tích cực tới nỗ lực bảo vệ môi trường”, bà Vũ Quỳnh Lê nhấn mạnh.
Còn theo TS. Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, mua sắm công xanh đã được thực hiện, như việc cân nhắc đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) hay Chính phủ điện tử, số hóa nhằm giảm sử dụng giấy và các nguyên liệu, nhiên liệu. “Đó chính là thúc đẩy mua sắm công xanh”, ông Mạnh phát biểu và cho rằng, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, chúng ta “không thể ép bằng được” mà cần có lộ trình cụ thể, cái gì dễ làm trước. Đồng thời, cần thúc đẩy sản xuất trong nước đối với các hàng hóa, dịch vụ cho mua sắm công xanh; có chính sách về ưu đãi hỗ trợ, đồng nghĩa phải làm rõ các tiêu chí, có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể.