Điều đó cho thấy Luật đã có tác động tích cực nhất định. Tuy nhiên, bạo lực gia đình, về tính chất vẫn còn khá nặng nề, phức tạp, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Các nhà quản lý, các nhà khoa học đã liệt kê ra hàng chục nguyên nhân khiến việc thực thi Luật chưa đạt hiệu quả như mong đợi, nhưng còn có một nguyên nhân nữa chưa được đề cập, đó là Luật quy định chưa thật chuẩn xác đối tượng được tư vấn và hình thức tư vấn khi thực thi Luật lại thiếu sự tế nhị.
Về đối tượng tư vấn
Chúng ta đều biết, bạo lực gia đình là hành vi xấu, đáng phải lên án. Các vụ bạo lực thường xảy ra sau cánh cửa gia đình đã bị đóng chặt. Nhưng khi thực hiện Luật, nơi này, nơi khác lại cũng nặng về công khai tuyên truyền, tư vấn cho cá nhân, cho gia đình. Vô hình chung, những cá nhân, những gia đình đó như “bị nêu gương xấu” nên tư vấn không được hưởng ứng nhiều, dẫn đến hiệu quả thấp.
Dự thảo Luật sửa đổi lần này vẫn quy định: Đối tượng được tư vấn, là những cá nhân có nhu cầu, ưu tiên tư vấn cho người bị bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao bị bạo lực gia đình.
Quy định như vậy sẽ rất khó thực hiện, không biết sẽ bắt đầu từ đâu; làm sao biết được người nào có hay không có nhu cầu; làm sao biết được người nào có nguy cơ cao hay thấp. Mặt khác, không chỉ ưu tiên tư vấn cho người bị bạo lực, mà còn phải đặc biệt chú ý đến người đã gây ra bạo lực. Quy định như dự thảo Luật thì cán bộ trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình cũng rất khó đến từng nhà để tư vấn.
Ở đây có hàng loạt cái khó: Một là, về tâm lý, không có gia đình nào muốn tự nhận là gia đình có nguy cơ bạo lực nên họ chẳng cần đề đạt nhu cầu riêng. Hai là, nếu nắm được nhu cầu thì cũng không có đủ cán bộ và thời gian đến từng gia đình để tư vấn (theo một số cuộc điều tra thì có đến 30% số hộ, tức là khoảng 5,5 triệu hộ trong cả nước có bạo lực gia đình, ít nhất là một lần).
Ba là, những quy định đúng đắn, chuẩn xác của các luật có liên quan đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, do cách hiểu không đầy đủ mà đôi khi lại làm khó khăn, thậm chí là trở ngại cho chính Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Ví dụ, Điều 21 của Luật Hôn nhân và gia đình có nội dung “Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau”. Đây là quy định hợp lý, chính xác, không thể khác được. Nhưng đã có những vụ bạo hành, ông chồng vũ phu đánh vợ “thừa sống thiếu chết”, song người vợ không muốn hàng xóm láng giềng biết, không muốn câu chuyện ầm ĩ lên, không muốn câu chuyện bay đến cơ quan làm mất danh dự, uy tín của nhau “xấu chàng hổ ai”... Người vợ âm thầm, nhẫn nhục chịu trận hết lần này đến lần khác.
Tương tự như thế, có trường hợp ông bố nhiều lần đánh con gái thậm tệ chỉ vì con không đạt điểm 9, điểm 10, mà láng giềng liền kề, sát vách không hề ai biết. Hỏi các em có biết gì về Luật Trẻ em không, thì không. Luật này chủ yếu là để người lớn thi hành. Các em lớp 9, lớp 10 (15-16 tuổi) thì một vài em có biết một số điều về quyền lợi và bổn phận của mình. Nhưng khi bị bạo hành, bị đòn đau thì cũng chỉ biết bưng mặt ngồi khóc sau cánh cửa phòng. Vì theo lời bố mẹ là phải giữ “gia phong, nếp nhà”, không được “vạch áo cho người xem lưng”. Điều 37 Luật Trẻ em - Bổn phận của trẻ em đối với gia đình - là “phải kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ...”. Các em chỉ hiểu một chiều về bổn phận của mình nên đành chịu đòn. Thực ra bạo lực với trẻ em gái như vậy không chỉ vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mà còn vi phạm nhiều luật khác (Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em... và có thể cả Bộ luật Hình sự nữa)...
Tình hình nghiêm trọng như vậy nhưng người ta quan niệm rất đơn giản, đó là “việc nội bộ gia đình”, không muốn “xã hội hóa” cho mọi người biết. Vậy thì phải tìm cách thực hiện tế nhị, coi bạo lực gia đình là một thực trạng xã hội mà mọi người, mọi gia đình đều phải có trách nhiệm chung tay góp sức xử lý.
Dự thảo tại khoản 2, Điều 17 quy định, đối tượng được tư vấn là những cá nhân có nhu cầu... Quy định như vậy thì sẽ không có cá nhân hay gia đình nào tự “giơ tay” tự nhận nhà mình có bạo lực gia đình để được tư vấn riêng. Về tâm lý, người ta muốn “đi giữa đoàn người”, không đi riêng rẽ. Do đó nên chăng đối tượng tư vấn nên là các tập thểtừ nhỏ đến lớn. Từ cư dân của một xóm, thôn, ấp, bản đến làng, xã; từ tổ dân phố, khối phố đến phường. Trong các tập thể đó sẽ bao hàm đầy đủ cả những gia đình đã có bạo lực, có cả những người đã gây ra bạo lực và cả những nạn nhân đã từng bị bạo lực. Ngồi trong tập thể đó để nghe tư vấn, người ta yên tâm hơn. Kẻ gây ra bạo lực nếu còn chút liêm sỉ sẽ phải suy nghĩ, lắng nghe, rút kinh nghiệm. Người đã bị bạo lực cũng thu lượm được kinh nghiệm về lời ăn, tiếng nói, thái độ cư xử trong các tình huống cụ thể trong gia đình (ví như các cụ dạy: Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê...).
Theo tinh thần tư vấn tập thể, cũng có thể tổ chức theo giới tính, theo các đoàn thể, các hội... và có thể trao đổi ý kiến dân chủ trong quá trình tư vấn. Chúng ta cũng đã có chút ít kinh nghiệm trong cách tổ chức này. Chắc nhiều người còn nhớ, ngày 5.8.2009, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với hơn 130 ông chồng đã từng có hành vi bạo lực gia đình (đánh, mắng, nhục mạ, xé quần áo vợ...) ở 28 xã, phường trên địa bàn toàn thành phố. Trước buổi nói chuyện, Sở Tư pháp Đà Nẵng đã “có khúc dạo đầu” bằng việc giới thiệu và phân tích, giải thích những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Với thái độ chân thành, thân thiện, ông Nguyễn Bá Thanh đã nói, cuộc gặp gỡ này là tự nguyện, mong tất cả chúng ta nói chuyện cởi mở, thẳng thắn với tư cách là “những người đàn ông với nhau”. Cuộc gặp gỡ, nói chuyện diễn ra khá thú vị, nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Tuy nhiên cũng có ông chồng “kêu oan”, cho rằng mình mới chỉ đánh vợ có mỗi một lần mà cũng “bị mời”. Lại có người học hàm, học vị đầy đủ, là hội viên của một Hội khoa học, khi được mời đến đã cho rằng mình bị “xúc phạm”. Trao đổi lại ý kiến của ông, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng cho biết, họ mời ông là căn cứ trên hình ảnh, đơn thư tố cáo của vợ ông gửi đến các cấp chính quyền thành phố.
Nhiều ông chồng thấy thấm thía khi nghe Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố nói điều gan ruột: “Các anh không thể nói rằng vợ các anh thì các anh có quyền đánh. Mình coi chuyện đánh vợ, đánh con bình thường quá nên dẫn đến thành thói quen, nhưng đây là thói quen nguy hiểm cần được loại trừ. Nếu trước đây anh có đánh vợ con thì từ cuộc gặp gỡ hôm nay các anh hãy suy nghĩ lại hành vi của mình”... Kết thúc cuộc gặp gỡ, hơn 100 ông chồng đã điềm tĩnh ký cam kết từ nay không gây ra bạo lực gia đình nữa. Qua câu chuyện này có thể nói, cuộc gặp gỡ thực sự có hiệu quả; đối tượng tư vấn là một nhóm người trong thành phố - những cá nhân là trọng tâm (là mục tiêu) của tư vấn. Chúng ta có thể tham khảo phục vụ cho việc nghiên cứu sửa đổi Luật, nhất là về quy định đối tượng được tư vấn và hình thức tư vấn.
Về hình thức tư vấn
Theo dự thảo Luật, các hình thức bao gồm: hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục (Điều 16); hình thức tư vấn (Điều 17); hình thức tư vấn ở cộng đồng (Điều 18). Trước tiên cần làm rõ nội hàm của hình thức. Có lẽ trong các Điều này chỉ có 2 hình thức, đó là tư vấn riêng cho cá nhân, cho gia đình, và tư vấn chung cho cộng đồng, cho tập thể (dưới tên gọi là hội nghị, hội thảo, tập huấn, cơ sở trợ giúp xã hội...) Nếu thống nhất được đối tượng tuyên truyền, tư vấn có hiệu quả hơn chỉ có thể là tư vấn cho tập thể (trong đó bao hàm cả các cá nhân và gia đình) thì hình thức tổ chức để tuyên truyền hay tư vấn cũng chỉ có một, đó là tập thể (tập trung nhiều người, nhiều gia đình với các tên gọi: hội nghị, hội thảo, cuộc nói chuyện, buổi tọa đàm tư vấn...), nghĩa là không tổ chức theo hình thức tuyên truyền, tư vấn cá biệt (cá nhân, gia đình riêng lẻ) có tính bắt buộc.
Tư vấn cho đối tượng áp dụng là “Người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình...” hay là những người chưa gây ra bạo lực, chưa từng bị bạo lực đều phải hiểu biết tâm lý đối tượng để áp dụng hợp lý hình thức tư vấn và nội dung tư vấn thì mới có thể tiến đến thành công và hiệu quả.