Sự cần thiết của “quyền ngắt kết nối”
Luật mới, có hiệu lực từ 26.8, là một phần của gói cải cách lao động rộng hơn, cho phép người lao động bỏ qua các cuộc gọi, email và tin nhắn từ người sử dụng lao động trừ khi việc liên lạc được coi là “hợp lý”. Đây là phản ứng của đất nước chuột túi trước những lo ngại ngày càng tăng về ranh giới mờ nhạt giữa cuộc sống nghề nghiệp và cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh giới sử dụng lao động ngày càng phụ thuộc vào các công cụ truyền thông kỹ thuật số và sự phổ biến của hình thức làm việc từ xa kể từ đại dịch Covid -19.
Việc duy trì kết nối ngoài giờ làm việc khiến người lao động gặp khó khăn trong việc nghỉ ngơi hoàn toàn sau khi hết giờ làm, đồng thời tạo áp lực buộc họ phải làm việc trong thời gian cá nhân. Thủ tướng Anthony Albanese đã nhấn mạnh trong buổi công bố luật rằng, người lao động không được trả lương để làm việc 24/7, do đó họ không cần phải luôn trực tuyến suốt ngày đêm.
Luật mới sẽ do Ủy ban Công bằng lao động, tòa án quốc gia về quan hệ nơi làm việc của Australia, thực thi. Nơi làm việc nào vi phạm các quy định mới có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 93.900 AUD (khoảng 63.805 USD). Mặc dù biện pháp này có vẻ quan trọng, nhưng nó phù hợp với xu hướng toàn cầu khi các quốc gia như Pháp, Đức, Italy và Canada cũng đã ban hành luật tương tự về “quyền ngắt kết nối” trong những năm gần đây.
Việc ban hành luật mới diễn ra trong bối cảnh Australia đang phải đối mặt với văn hóa làm việc quá sức ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Viện Australia, năm ngoái, một nhân viên của nước này trung bình làm việc không công 5,4 giờ mỗi tuần. Con số đó thậm chí tăng lên 7,4 giờ đối với lao động trẻ từ 18 đến 29 tuổi.
Ông Chris Wright, Phó giáo sư ngành nghiên cứu công việc và tổ chức tại Đại học Sydney, cho biết dù người Australia thường được coi là “chơi hết mình”, họ cũng làm việc nhiều giờ hơn so với người dân ở nhiều quốc gia phát triển khác. Ông trích dẫn Chỉ số cuộc sống tốt đẹp hơn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2018, trong đó cho thấy người lao động toàn thời gian của Australia dành 14,4 giờ cho việc chăm sóc cá nhân và giải trí mỗi ngày, thấp hơn mức trung bình 15 giờ của OECD. Chỉ số cũng phát hiện ra rằng, 13 % nhân viên Australia “làm việc rất nhiều giờ”, so với mức trung bình 10% của OECD.
Trong khi đó, theo một số nghiên cứu trong nước, công nghệ có tác động làm xói mòn ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Ông Wright cũng lưu ý, mặc dù làm việc nhiều giờ, Australia vẫn ghi nhận mức tăng trưởng năng suất chậm trong hai thập kỷ qua, với năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế giảm 3,7% trong giai đoạn 2022-2023. Do đó, ông hy vọng, luật mới có thể thúc đẩy năng suất của Australia bằng cách thúc đẩy doanh nghiệp xem xét cách tiếp cận sáng tạo, thông minh và hiệu quả hơn tại nơi làm việc.
Phản ứng trái chiều
Chủ tịch Hội đồng Công đoàn Australia, Michele O'Neil, hoan nghênh các cải cách mới, cho rằng đây là sự công nhận lâu dài về quyền của người lao động đối với thời gian cá nhân trong hệ thống pháp luật Australia. Bà nói: “Điều này rất quan trọng vì một nguyên tắc đơn giản nên được áp dụng, rằng bạn phải được trả tiền cho mọi công việc mà bạn làm”. Trong khi đó, theo ông John Hopkins, Phó giáo sư về quản lý tại Đại học công nghệ Swinburne, luật có thể đặt nền tảng cho các doanh nghiệp sửa chữa văn hóa làm việc “luôn trực tuyến” của Australia. Ông hy vọng, nó sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận về liên lạc hợp lý và liên lạc không cần thiết ngoài giờ làm việc.
Tuy nhiên, các nhóm vận động hành lang của doanh nghiệp lại bày tỏ lo ngại, cho rằng luật này có thể làm tăng tình trạng quan liêu và giảm năng suất lao động vào thời điểm nền kinh tế quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Bran Black, giám đốc điều hành của Hội đồng Doanh nghiệp Australia, cho rằng vấn đề cho phép nhân viên ngắt kết nối bên ngoài văn phòng nên được giải quyết tại nơi làm việc thay vì thông qua luật. “Các luật về lao động của chúng ta cần khuyến khích nhiều người đi làm hơn, thay vì tạo thêm thủ tục hành chính để tuyển dụng nhân viên”, ông nói.
Luật mới không cấm người sử dụng lao động liên lạc với nhân viên và các ông chủ có thể lập luận rằng, việc nhân viên từ chối giao tiếp là vô lý. Điều này có thể dẫn đến những tranh luận về việc liệu người lao động có tự tin bỏ qua các cuộc gọi và tin nhắn hay không.
Ngoài ra còn có sự hoài nghi về tính hiệu quả của luật. Một số nhân viên, như cô Wong, một người nhập cư Trung Quốc làm việc tại Melbourne, tỏ ra ngần ngại thực hiện quyền này vì sợ những hậu quả tiêu cực, chẳng hạn như bị đánh giá hiệu suất kém. Điều này làm nổi bật khoảng cách tiềm ẩn giữa mục đích của luật và việc thực thi nó trên thực tế.
Mặc dù Luật Về quyền ngắt kết nối là bước đi táo bạo nhằm cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng sự thành công còn phụ thuộc vào cách nó được thực hiện tại nơi làm việc trên khắp Australia.