Xác định cấp độ phòng thủ dân sự
Tại họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 8 luật được Quốc hội thông qua, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình nêu rõ, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng thủ dân sự. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng lực phòng thủ dân sự quốc gia nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế.
Luật gồm 7 chương, 55 điều. Trong đó, quy định các tiêu chí, căn cứ để xác định các cấp độ phòng thủ dân sự nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, quy định các biện pháp phòng thủ dân sự áp dụng trong các trạng thái của xã hội (trong thời bình, tình trạng khẩn cấp và tình trạng chiến tranh) nhằm bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Các biện pháp phòng thủ dân sự quy định tại luật này không thay thế cho các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh mà tạo nên tổng thể các biện pháp cần thiết để bảo vệ Nhân dân, nền kinh tế khi xảy ra thảm họa, sự cố. Trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh, tình trạng thiết quân luật vẫn cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự theo quy định của Luật này để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa.
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết thêm, nếu như các luật chuyên ngành chỉ xác định theo mức độ rủi ro (như rủi ro về thiên tai), thì Luật Phòng thủ dân sự xác định cấp độ phòng thủ dân sự là công tác chuẩn bị của địa phương, chính quyền, người dân, lực lượng chức năng nhằm ứng phó với rủi ro có thể xảy ra. Cùng một cấp độ rủi ro nhưng các địa phương khác nhau có thể áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự khác nhau.
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn chứng, có những trường hợp thiên tai, tình huống về quốc phòng, an ninh chưa đến mức tình trạng khẩn cấp nhưng nhu cầu địa phương cần áp dụng ngay một số biện pháp trong khi chưa có quy định để thực hiện. Thực tiễn đặt ra vấn đề giữa trạng thái bình thường và tình trạng khẩn cấp cách nhau quá xa, cần có các trạng thái trung gian. Các cấp độ phòng thủ dân sự chính là trạng thái trung gian đó. Cấp độ phòng thủ dân sự khác hẳn với cấp độ rủi ro và quy định này đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra.
Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia
Luật quy định rõ cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự. Theo đó, Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Thành viên Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia có trách nhiệm chủ trì tham mưu cho Ban chỉ đạo trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi. Trong đó, lực lượng nòng cốt bao gồm: Dân quân tự vệ, dân phòng; lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của Bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương. Còn lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.
Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm "4 tại chỗ" kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Luật cũng quy định về Quỹ phòng thủ dân sự, là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự.
Quỹ phòng thủ dân sự được ưu tiên thực hiện các hoạt động sau đây: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra; Hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra.
Quỹ phòng thủ dân sự được hình thành từ các nguồn tài chính như: Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước. Nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Việc quản lý, sử dụng Quỹ phải đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch. Quỹ hỗ trợ cho các hoạt động phòng thủ dân sự mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu;
Việc điều tiết giữa Quỹ phòng thủ dân sự và các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa được thực hiện trong trường hợp cấp bách. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ phòng thủ dân sự; việc điều tiết giữa quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; ban hành kế hoạch quán triệt, phổ biến, triển khai thi hành Luật Phòng thủ dân sự. Thời gian tới Chính phủ sẽ kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1.7.2024.