Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phân tích kỹ lưỡng, khoa học những kết quả đã đạt được trong năm 2022 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn, nhận diện rõ những vướng mắc, những thách thức sắp tới để đề ra các giải pháp ứng phó phù hợp.
Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, các ĐBQH đều thống nhất năm 2022, kinh tế xã hội nước ta đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với chủ trương quyết sách và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, những chính sách, quyết nghị kịp thời của Quốc hội, sự ủng hộ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế và toàn xã hội, sự nỗ lực cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, kinh tế xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như GDP tăng trưởng ở mức 8,02%, kinh tế cơ bản, ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức độ hợp lý, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo và phát triển đồng bộ.
Mặc dù vẫn còn nhiều dự án đầu tư công cần phải cố gắng để giải quyết nhưng trong thời gian ngắn, Chính phủ đã quyết tâm chỉ đạo để đưa một số công trình giao thông, dự án quan trọng đi vào khai thác như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Cao tốc Mai Sơn QL45, Cát Tiên –Mỹ Thành (Bình Định). Những kết quả này được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ rất rõ năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến kém tích cực, căng thẳng địa chính trị.... Vì vậy, Việt Nam cần có dự báo chính xác rủi ro và có giải pháp linh hoạt để ứng phó đảm bảo kinh tế ổn định phát triển.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, Việt Nam cũng được coi là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, diễn biến nhanh và phức tạp, hậu quả khó đoán định, gây ảnh hưởng nặng nề trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, thương mại, năng lượng,.. đời sống an sinh xã hội, sinh kế của người dân.
Biến đổi khí hậu được coi là thách thức nghiêm trọng đối với sự tồn vong của nhân loại. Trong 11 nhiệm vụ trọng tâm bao trùm các lĩnh vực kinh tế xã hội mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian sắp tới, nhiệm vụ số 6 đã thể hiện Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai chiến lược, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng.
Đại biểu cho rằng đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, rất cần thiết, cần phải nỗ lực triển khai thường xuyên để đảm bảo sự chủ động thích ứng, bảo vệ cộng đồng, môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn, ổn định phát triển đời sống kinh tế xã hội của quốc gia và để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), để thể hiện một đất nước Việt Nam trách nhiệm, hành động, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá rất cao chuỗi chương trình của Chính phủ để thực hiện cam kết hành động ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu của Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị Thượng đỉnh COP26, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ đã thực hiện các nhóm giải pháp tổng thể, đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia, rà soát hoàn thiện chính sách ban hành 2 Nghị định của Chính phủ, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 thông tư. Hoàn thiện cập nhật chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến giai đoạn 2050, đang hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh; rà soát điều chỉnh hàng loạt các chiến lược phát triển, các quy hoạch, trong đó có những quy hoạch chiến lược hạt nhân đảm bảo sự giảm phát thải; Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê, tổ chức nhiều hội nghị hội thảo truyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia.
Tuy nhiên để có thể hiện thực hóa các cam kết trên, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành sau khi có các kế hoạch cụ thể, có mục tiêu rõ ràng, phân định trách nhiệm các bên liên quan, cần phải có cơ chế giám sát đánh giá chặt chẽ, thường xuyên liên tục đôn đốc, kiểm tra tính hiệu quả của mỗi chương trình; cần ứng dụng công nghệ số, khoa học dữ liệu và giải pháp thông minh và Khoa học công nghệ trong hành động của Việt Nam.
Đồng thời cần có chính sách quy hoạch phát triển dài hạn lồng ghép mục tiêu thích ứng và mục tiêu giảm phát thải; đặc biệt chú trọng đến các giải pháp cho ngành nông nghiệp vì đây là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam (chiếm gần 20% GDP), liên quan rộng đến nhiều bộ phận xã hội trong cả nước (54% dân số lao động, gần 35% diện tích đất của cả nước), vừa là ngành chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, lại đồng thời là ngành tạo ra lượng phát thải lớn chiếm đến 10-25%.