Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có hệ thống pháp luật hoàn thiện là những mục tiêu lớn, tổng quát. Trong đó, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân là mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đã được Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Đảng xác định.
Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV là một trong những kỳ họp để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng cử tri, Nhân dân với 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế - xã hội được Quốc hội thảo luận thông qua, thể chế hóa nhiều chủ trương lớn của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, bảo đảm và bảo vệ quyền con người - giá trị cốt lõi của học thuyết nhà nước pháp quyền được vận dụng tại nước ta; cũng là “linh hồn” để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Đó là minh chứng cho tinh thần đổi mới hoạt động lập pháp, cống hiến vì dân của một Quốc hội hành động, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Bảo đảm quyền và nghĩa vụ thụ hưởng các dịch vụ y tế
Chính sách mới về BHYT theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là quyết định lập pháp có tính chất bước ngoặt với nhiều điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT, nhất là về cải cách thủ tục hành chính và quyền lợi của người hưởng BHYT so với trước đây. Từ ngày 1.1.2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cập nhật, bổ sung các đối tượng tham gia; điều chỉnh trách nhiệm đóng, mức đóng BHYT, cấp thẻ BHYT bằng bản giấy và bằng bản điện tử; mở rộng phạm vi được hưởng, mức hưởng, bao gồm cả khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh; chi phí cho sử dụng dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc, thiết bị y tế, máu, chế phẩm máu...
Đặc biệt, Luật quy định thông cấp, thông tuyến BHYT và mức hưởng BHYT khi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ % mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp. Người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào trong trường hợp cấp cứu. Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Với những quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người dân kỳ vọng Chính phủ, Bộ Y tế nhanh chóng thể chế hóa, triển khai thực hiện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức và sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm xã hội. Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế; để từ nay người bệnh, người nhà bệnh nhân không còn cảnh phải chạy vạy ngược xuôi với các thủ tục hành chính gây nhiều bức xúc như trước đây.
Quyết sách kịp thời, dứt khoát bảo đảm sức khỏe cộng đồng
Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta chỉ rõ: sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt.
Trước thực tế, phản ánh của cử tri và Nhân dân về những tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân, Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ Tám đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15 ngày 30.11.2024 về chất vấn và trả lời chất vấn, thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, giao Chính phủ tổ chức thực hiện.
Đây là quyết sách kịp thời, cứng rắn và dứt khoát được cử tri, Nhân dân đồng tình ủng hộ cao nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Như vậy, từ ngày 14.1.2025, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện sẽ bị coi là hàng cấm; các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm (cả bên bán và bên sử dụng) đều sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho dân
Chăm lo giải quyết nhà ở cho Nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một vấn đề xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, nhưng đến nay, cả nước vẫn còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng người có công, các chương trình mục tiêu, hộ nghèo, hộ cận nghèo…) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở bảo đảm an toàn, "an cư, lạc nghiệp", từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Với quyết tâm đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm với mục tiêu xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ Tám đã ban hành Nghị quyết số 159/2024/QH15 cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ địa phương khác thực hiện nhiệm vụ này trong trường hợp địa phương không sử dụng hết nguồn; thực hiện chuyển nguồn số kinh phí chưa sử dụng hết sang năm 2025. Đây là quyết sách vì con người, đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy, “Việc gì có lợi cho dân thì làm” và nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người, làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các quyết sách được lòng dân của Quốc hội chính là sự hóa thân của lòng dân, của ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân, là thước đo giá trị của nền dân chủ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.