Ở cấp quốc gia, người ta coi năng suất là yếu tố then chốt quyết định tăng trưởng của nền kinh tế. Ở cấp doanh nghiệp, năng suất - chất lượng - hiệu quả luôn là khẩu hiệu trong các nhà máy sản xuất. Năng suất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển kinh tế và là một trong những thước đo hiệu quả tăng trưởng.

Có nhiều yếu tố khác nhau tác động đến năng suất chất lượng như nguồn vốn, phát triển nhân lực, cơ chế chính sách,... Trong đó, trình độ công nghệ được coi là yếu tố tác động trực tiếp để nâng cao năng suất lao động thông qua sử dụng thay thế sức người bằng máy móc thiết bị làm giảm nhẹ cường độ lao động, gia tăng giá trị sản phẩm.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, trước kia nhiều ý kiến băn khoăn về câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam không thể làm nổi ốc vít cho các doanh nghiệp điện tử có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, thật vui mừng chứng kiến khi chúng ta đã có một FPT sánh vai cùng Nvidia xây dựng nhà máy AI, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trí tuệ nhân tạo của thế giới; có một Viettel với các khí tài quân sự hiện đại; có một VinFast với công nghiệp ô tô, sản xuất xe điện vì tương lai xanh;...
Cho đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã có thể sản xuất chip, máy bay, tên lửa... khẳng định năng lực làm chủ công nghệ và tham gia sản xuất sản phẩm có giá trị cao trên thị trường. Rõ ràng, làm chủ công nghệ là một trong những "chìa khóa" để gia tăng năng suất, cũng là con đường ngắn nhất đưa doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm thế giới.
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đánh giá, công nghệ chính là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng suất. Tuy nhiên tại Việt Nam, phải nhìn nhận rằng bên cạnh doanh nghiệp lớn đóng vai trò như “sếu đầu đàn" trong cộng đồng doanh nghiệp với mức độ chuyên nghiệp hóa và ứng dụng công nghệ tiên tiến, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang sử dụng những công nghệ lạc hậu từ nhiều năm trước hoặc sử dụng công nghệ đã tân trang dẫn đến năng suất lao động thấp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc Kinh doanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Phương thừa nhận, một trong những điều khó khăn nhất đó là vấn đề chuyển giao công nghệ. Điển hình như một số công nghệ nhập từ Đức, Thổ Nhĩ Kỳ hay các quốc gia phát triển khác đòi hỏi chuyên gia kỹ thuật trình độ cao.
Theo ông Thành, từ đó, đòi hỏi bản thân doanh nghiệp cần nỗ lực học hỏi và xây dựng đội ngũ chuyên gia trong nước sao cho tự chủ về mọi mặt, đây cũng là cách nâng cấp nhân lực và năng suất cũng được nâng cao. “Từ năm 2021, chúng tôi đã đưa chiến lược tự động hóa để thay đổi công nghệ trước đây, tạo ra năng suất cao hơn. Trước năm 2020, số lượng công nhân của công ty lên đến 400 - 500. Sau khi áp dụng công nghệ tự động hóa số lượng giảm đi chỉ còn 150 – 200. Chúng tôi cũng tạo ra hiệu suất về lao động tốt hơn thời kì mà chúng tôi chưa đầu tư vào tự động hóa”, ông dẫn chứng.
Các chuyên gia khẳng định, năng lực công nghệ là khả năng doanh nghiệp triển khai công nghệ hiện có một cách hiệu quả và ứng phó được với những thay đổi công nghệ. Một doanh nghiệp có năng lực công nghệ cao khi có đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, nhanh chóng nắm bắt và làm chủ công nghệ mới, đồng thời có thể cải tiến công nghệ cũ hay công nghệ nhập từ bên ngoài sao cho phù hợp với điều kiện của mình.