
Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (gọi tắt là IVAC) được thành lập năm 1978, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế. Viện có các chức năng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật công nghệ, sản xuất, kinh doanh, tư vấn và cung ứng dịch vụ về vắc xin, sinh phẩm y tế; chăn nuôi các loại động vật phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế; tham gia đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vắc xin, sinh phẩm y tế.

Các đại biểu tại cuộc làm việc
IVAC là đơn vị tiên phong tại Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công các vắc xin như bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTP), vắc xin phòng lao (BCG), và vắc xin phòng bạch hầu - uốn ván (Td). Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy+1. Viện cũng sản xuất các loại huyết thanh chất lượng cao như huyết thanh kháng nọc rắn tinh chế (SAV), huyết thanh kháng dại tinh chế (SAR), và huyết thanh kháng độc tố uốn ván tinh chế (SAT), đóng góp quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh cho cộng đồng.
Lãnh đạo Viện cho biết, đối với chế độ đãi ngộ, chính sách thu hút nhân tài tại Viện, cá nhân mới tuyển dụng có trình độ Tiến sĩ sẽ không thực hiện thử việc; ngay từ tháng đầu tiên làm việc được hưởng hệ số lương bậc 3, được hưởng 100% tiền công vượt năng suất, hiệu quả; thu nhập tăng thêm và các khoản chi phúc lợi.

Xây dựng chính sách quy định về nghĩa vụ, chế độ, quyền lợi của các cá nhân đi đào tạo Nghiên cứu sinh trong giai đoạn 2023 - 2028, cụ thể: Hỗ trợ đầu vào: 10 triệu đồng; hỗ trợ trong thời gian đi học: 10 triệu đồng/năm, thanh toán 100% mức học phí và tài liệu học tập; hưởng 100% tiền lương, tiền thưởng, các khoản phúc lợi theo quy định của chế chi tiêu nội bộ; hỗ trợ 2 lượt đi và 2 lượt về/năm trong thời gian đào tạo; ưu tiên hỗ trợ làm đề tài nghiên cứu tại Viện, bao gồm cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, hóa chất và các chi phí phát sinh phục vụ cho nghiên cứu.
Từ năm 2021 đến nay, Viện đã tuyển mới được tổng cộng 58 người, trong đó trình độ từ đại học trở lên 25 người (3 tiến sĩ, 1 thạc sĩ, 21 đại học các chuyên ngành y, dược, hóa học, sinh học, công nghệ sinh học, vi sinh vật học kế toán, điện, điện tử), bổ sung số lượng người làm việc cần thiết, đảm bảo ổn định nguồn nhân lực của Viện.

Đại diện lãnh đạo Viện cũng kiến nghị liên quan đến các vấn đề, cụ thể: cần đào tạo cho Hệ sinh thái phát triển vắc xin: nghiên cứu cơ bản, sản xuất, kiểm định, kỹ thuật cao, đánh giá trên động vật; mở rộng cơ chế thu hút nhân tài trong công tác lãnh đạo, quản lý đơn vị; tăng thêm đối tượng áp dụng của pháp luật về thu hút nhân tài.
Viện cũng kiến nghị Trung ương xem xét, bổ sung thêm các điều kiện để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao như: ưu tiên cho người đạt giải liên quan đến nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ, người đạt giải cao trong các cuộc thi lớn trong nghiên cứu khoa học...

Phát biểu tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn giám sát cho rằng, đối với việc phát triển và thu hút nguồn nhân lực, yếu tố tài chính rất quan trọng. Do đó, Viện cần có thêm cơ chế, chính sách đặc biệt và phát triển thêm nguồn lực kinh tế, tự chủ hơn nữa, tạo điều kiện thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế thời gian qua. Các kiến nghị của Viện sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, hoàn thiện và có những kiến nghị xây dựng khung pháp lý cũng như điều chỉnh, sửa đổi các quy định liên quan đến phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với tình hình phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời đề nghị Viện sớm hoàn thiện báo cáo đầy đủ, chi tiết về các vướng mắc, khó khăn cho Đoàn giám sát.