Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Bệnh liên cầu lợn có thể lây cho người. Chính vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, ca nhiễm và mắc bệnh liên cầu lợn đầu tiên được phát hiện vào năm 1960. Đến nay, trên thế giới đã ghi nhận khoảng 490 trường hợp bệnh liên cầu lợn ở người, trong đó tỷ lệ tử vong là 17,5%. Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003.
Người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh mang vi khuẩn liên cầu lợn hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh: máu, thịt, lòng, đặc biệt tiết canh lợn…
Biểu hiện lâm sàng chính là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... với tỷ lệ tử vong cao.
Nguồn lây bệnh liên cầu lợn là ổ chứa trong lợn nhà, có thể cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. Các nguyên nhân có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột... với thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Tuy nhiên thông tin về thời kỳ lây truyền chưa được biết đầy đủ và khả năng khi lợn bị bệnh, vi khuẩn S.suis biến đổi và tăng độc tính mới lây nhiễm cho người.
Vi khuẩn S.suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Bệnh có thể truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua kim tiêm nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể vẫn có mặt ở hạch hạnh nhân của lợn sau khi đã được điều trị bằng kháng sinh penicillin.
Lợn nái có thể mang vi khuẩn trong tử cung và âm đạo. Lợn có thể bị nhiễm vi khuẩn ở bất kỳ tuổi nào. Khả năng nhiễm và gây bệnh của vi khuẩn ở lợn con cao hơn ở lợn trưởng thành. Các đàn lợn non trong trạng thái chịu stress và tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ có khả năng phát bệnh cao.
Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Các động vật khác có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột.
Để phòng bệnh hiệu quả, bà con nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y; tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo trên 70 độ C); không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.
Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.