Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, hoạt động thể lực là tất cả cử động của cơ thể gây tiêu hao năng lượng. Trong đó, bao gồm hoạt động không do tập luyện và hoạt động liên quan đến tập luyện.
Với hoạt động không do tập luyện bao gồm hoạt động liên quan đến nghề nghiệp (đi bộ, đạp xe, leo cầu thang,...), các công việc nhà (phơi quần áo, rửa bát, thay quần áo, đứng nấu ăn, ...). Còn hoạt động do tập luyện bao gồm các hoạt động như đi bộ nhanh, chơi thể thao: tennis, bóng chuyền, cầu lông.
Nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh, hoạt động thể lực đóng vai trò điều trị và phục hồi chức năng trong bệnh lý ung thư.

Cụ thể, nghiên cứu tổng quan cho thấy một số hoạt động aerobic như đi bộ, chạy, đạp xe, bơi có hiệu quả đối với giảm mệt mỏi do ung thư hoặc do quá trình điều trị ung thư. Đặc biệt, hoạt động thể lực đều đặn giúp cải thiện giấc ngủ, trầm cảm, lo âu và chức năng tim phổi của bệnh nhân ung thư.
Ngoài ra, hoạt động thể lực còn giúp người bệnh giữ cân bằng tốt, giảm nguy cơ ngã và gãy xương, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, phòng ngừa loãng xương, cải thiện lưu lượng máu và dự phòng huyết khối, giảm buồn nôn, giúp duy trì cân nặng lý tưởng do gây tiêu hao năng lượng, giúp cân bằng năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng thời gian sống thêm.
Bên cạnh đó, hoạt động thể lực tác động lên chuyển hóa của một số hormone sinh dục như estrogen, testosterone như giảm tổng lượng hormone, ảnh hưởng tới sự phát triển của tất cả các loại tế bào. Hoặc gây giảm nồng độ insulin, cải thiện tính nhạy cảm với insulin, được chứng minh có tác động đối với một số loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, đại tràng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến giáp.
Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư thường hạn chế hoạt động thể lực do tác động của khối u gây đau, mệt mỏi, buồn nôn, nôn. Vì vậy, hoạt động thể lực ngày càng được khuyến cáo với nhiều bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân ung thư nên thực hiện các hoạt động thể lực bao gồm hoạt động ở các nhóm cơ lớn như đi bộ, đạp xe, tránh các hoạt động chịu tải lớn (cử tạ, tập với dụng cụ có sức nặng lớn) với cường độ vừa tới cao, tùy thuộc từng cá nhân và tính chất bệnh lý. Hoạt động này nên được duy trì với tần suất hàng ngày, trong khoảng thời gian tối thiểu từ 15-20 phút.
Trường hợp nặng hoặc chống chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân ung thư nên tăng cường hoạt động thể lực không do tập luyện hoặc do tập luyện mức vừa ở các nhóm cơ lớn như: Cơ đùi, cơ cẳng chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai, cánh tay với thời gian trung bình 30 phút/ngày trong và sau thời gian điều trị ung thư.