Gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật gồm 11 điều, trong đó 9 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật hiện hành, một điều về điều khoản chuyển tiếp và một điều về hiệu lực thi hành.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, cho biết, Luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tăng cường phân quyền, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước. Việc sử dụng "một luật sửa nhiều luật" còn xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cũng nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Trong đó, đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật, dự kiến sẽ có 3 văn bản quy định chi tiết, gồm: Nghị định quy định chi tiết khoản 1 Điều 1 và khoản 1 Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật (khoản 1 Điều 1 và khoản 1 Điều 5); Nghị định quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ (khoản 7 Điều 7); Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (khoản 5 Điều 3).
Giải quyết bài toán thu hồi tài sản tham nhũng
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, Điều 9 của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự theo hướng: làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần" tại điểm b khoản 1 Điều 55 trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản tại khoản 2 Điều 55 và khoản 2 Điều 57.
Đối với cơ chế ủy thác xử lý tài sản, Luật quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản. Theo đó, trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản. Luật cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản.
Ngoài ra, Điều 11 của Luật quy định chuyển tiếp đối với các quy định của Luật Thi hành án dân sự. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, cơ chế này được kỳ vọng sẽ khắc phục "điểm nghẽn" thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua. Bởi, việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ rất thấp, trung bình 10%. Một trong những điểm nghẽn là cơ chế ủy thác xử lý tài sản trong Luật Thi hành án dân sự bắt buộc thực hiện thi hành án xong tại một địa phương mới được phép ủy thác cho địa phương khác. Ví dụ, theo cơ chế cũ, một vụ việc mất khoảng 6 tháng để xử lý. Như vậy, một vụ án với 5 vụ việc phải xử lý tài sản sẽ phải kéo dài 3 năm. Luật sửa đổi lần này đã "bổ sung cơ chế mới, cho phép đồng thời xử lý tài sản tại cả 5 địa phương", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ.
Trao đổi về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phân tích, trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tài sản thường nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Do đó, quy định ủy thác thi hành án từng phần dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Không chỉ vậy, quy định "chờ địa phương này xong thì mới được ủy thác thi hành án ở địa phương khác" còn là "kẽ hở" dẫn đến thất thoát tài sản, nên kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua rất thấp. "Với cơ chế mới, Chính phủ kỳ vọng thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế", Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định.