Vẫn có sự cào bằng trong công tác đánh giá cán bộ, công chức
Thực tế cho thấy, pháp luật hiện hành đã có quy định về vị trí việc làm. Việc xây dựng được vị trí việc làm sẽ nâng cao hiệu quả công việc, cũng như trả lương cho từng vị trí xứng đáng, qua đó tạo động lực, kích thích, hiệu quả và sự cống hiến trong công việc. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vị trí việc làm của chúng ta vẫn còn lúng túng.
Theo quy định tại Điều 5, Luật Cán bộ, công chức, nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; việc sử dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ. Việc đánh giá cán bộ, công chức theo nguyên tắc này là chưa hoàn toàn theo vị trí việc làm.
Đồng thời, khái niệm vị trí việc làm tại Điều 7 của Luật Cán bộ, công chức là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí, sử dụng công chức. Theo Bộ Nội vụ, quy định này dẫn đến việc triển khai xác định, mô tả vị trí việc làm còn trùng lắp với tiêu chuẩn ngạch công chức (tiêu chuẩn áp dụng chung đối với các cơ quan, tổ chức trong cùng ngành, lĩnh vực, chủ yếu thiên về bằng cấp chuyên môn, không rõ về yêu cầu kết quả, sản phẩm công việc). Do đó, phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tế, không đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay.

Không chỉ vướng mắc về vị trí việc làm, một trong những khó khăn hiện nay đó là việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, trong khi đây là một trong những căn cứ rất quan trọng để đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức cho thấy, chưa tạo đủ hành lang pháp lý cho việc đánh giá kết quả thực hiện công việc theo vị trí việc làm dẫn đến sự cào bằng trong công tác đánh giá, chưa tạo động lực trong việc rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, công chức; không có cơ sở để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Thực tế cho thấy, đội ngũ công chức hiện nay vừa thừa, vừa thiếu. Tồn tại tình trạng né tránh, đùn đẩy, không dám nghĩ, dám làm; tâm lý đã vào Nhà nước là an toàn, sẽ là “công chức suốt đời”. Quy định 2 năm liên tiếp bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ chưa tạo cơ chế đào thải công chức đủ mạnh.
“Tình trạng trên xuất phát từ việc thiếu cơ chế cạnh tranh, sàng lọc trong đội ngũ, cơ chế, phương thức đánh giá, xếp loại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn” - Bộ Nội vụ nhận định.
Thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, thì hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức đóng vai trò quyết định. Muốn có chất lượng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần có giải pháp hữu hiệu để công tác đánh giá cán bộ, công chức thực chất - công cụ để sàng lọc cán bộ, công chức yếu kém.
Để khắc phục tồn tại về đánh giá cán bộ, công chức, dự thảo Luật Cán bộ, công chức đã sửa đổi các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức để làm cơ sở sàng lọc, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm trung tâm trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức.
Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung một chương quy định riêng nội dung về vị trí việc làm; quy định về khái niệm vị trí việc làm, phân loại vị trí việc làm; căn cứ xác định vị trí việc làm; thay đổi vị trí việc làm và nội dung quản lý về vị trí việc làm. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định phân định các vị trí việc làm phải thực hiện tuyển dụng và các vị trí việc làm có thể được phép ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực từ bên ngoài.
Và một điểm mới rất đáng chú ý, để khắc phục tình trạng “công chức suốt đời”, khắc phục tâm lý vào Nhà nước là an toàn, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về sát hạch đánh giá công chức. Theo đó, dự thảo Luật quy định: Cơ quan, tổ chức quản lý công chức ban hành quy định về phương thức, nội dung kiểm tra, để tổ chức sát hạch, đánh giá công chức để bố trí, sắp xếp vào vị trí việc làm phù hợp với năng lực, trình độ theo vị trí việc làm. Quy định phương thức, nội dung kiểm tra, sát hạch để tổ chức sát hạch, đánh giá công chức để bố trí, sắp xếp vào vị trí việc làm phù hợp với năng lực, trình độ theo nguyên tắc “có vào có ra”, “có lên có xuống”.
Đánh giá công chức để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trên cơ sở những kết quả đong, đếm được một cách cụ thể. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, sàng lọc và thực hiện chính sách đối với công chức. Việc bổ sung các quy định mới như dự thảo Luật lần này sẽ bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy tinh thông, chất lượng, đủ đức, đủ tài, đủ cống hiến để xây dựng nền công vụ hiện đại, phục vụ Nhân dân hiệu quả hơn.