Đây là nhận định được nêu trong Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV.
Có thể nói, cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, thì thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề được cử tri và nhân dân rất quan tâm bởi hậu quả để lại đối với xã hội rất lớn. Cũng bởi vậy, Quốc hội đã có giám sát tối cao và có nghị quyết riêng về vấn đề này.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, lãng phí. Trong đó, có việc nhiều dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần, đầu tư không hiệu quả; tình trạng quy hoạch treo, dự án treo; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn rất chậm; nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước thua lỗ, thất thoát, lãng phí... Đó mới chỉ là những thất thoát, lãng phí hữu hình có thể nhìn thấy, có thể được lượng hóa bởi những con số. Thực tế còn có những lãng phí vô hình nghiêm trọng hơn rất nhiều - không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí những nguồn lực quý giá của quốc gia.
Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa, Nghị quyết 74/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội cũng nêu rõ: đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. Trong năm 2023, đánh giá và có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể giải quyết các dự án sử dụng vốn nhà nước thua lỗ tại các doanh nghiệp.
Tính đến tháng 8.2023, đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, gồm 6 doanh nghiệp thuộc Trung ương và 39 doanh nghiệp thuộc các địa phương. Năm 2022, thực hiện cổ phần hóa 1 doanh nghiệp; thoái vốn nhà nước tại 1 doanh nghiệp; các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại 31 doanh nghiệp...
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ: “tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm”. Nguyên nhân của việc cổ phần hóa, thoái vốn chậm là do công tác chuẩn bị chưa tốt, một số phương án cổ phần hóa chưa hấp dẫn với nhà đầu tư. Việc chậm quyết toán cổ phần hóa cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn. Việc xây dựng danh mục, kế hoạch thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa khả thi, chưa sát với thực tế.
Bên cạnh đó, qua giám sát của các cơ quan của Quốc hội cũng cho thấy, còn nguyên nhân khác nữa đó là, ngoài việc chậm ban hành nghị quyết, kế hoạch để triển khai thực hiện nghị quyết thì một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc tổ chức triển khai thực hiện. Việc rà soát, chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, chưa nghiêm; chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Điều đáng nói, dù Nghị quyết số 74/2022/QH15 đã giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan làm rõ trách nhiệm và kết quả xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, gây ra thua lỗ, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các nguồn vốn nhà nước khác nhưng thời gian qua, yêu cầu này chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. "Khoảng trống" xử lý trách nhiệm này cần phải được khắc phục trong thời gian tới.
Để khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với lĩnh vực này. Theo đó, sửa đổi các cơ chế chính sách, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu xây dựng, lập kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp, khả thi. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó, xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp gây thất thoát, lãng phí.