Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về quốc phòng an ninh
- Năm 2023, Quốc hội đã thông qua và xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với một số dự án Luật quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Các luật được thông qua đều có tỷ lệ phiếu tán thành rất cao. Điều này có sự đóng góp quan trọng của Ủy ban Quốc phòng và An ninh – cơ quan chủ trì thẩm tra và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của các luật này đối với hệ thống pháp luật về quốc phòng - an ninh và việc thực hiện chủ trương của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?
- Năm 2023 là năm bản lề của việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đây là cũng là năm các cơ quan của Quốc hội phải tích cực triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5.1.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, chúng tôi đã chủ trì thẩm tra, tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý 9 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết. Trong đó, đã trình Quốc hội xem xét, thông qua 6 dự thảo Luật, 2 dự thảo Nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 1 dự thảo Nghị quyết. Hiện nay, có 3 dự thảo Luật quan trọng đang được Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý. Cùng với đó, trong năm 2023, Ủy ban Quốc phòng và An ninh còn phối hợp thẩm tra 19 dự án luật, nghị quyết, tổ chức 4 cuộc hội thảo, 3 cuộc tọa đàm, nhiều đoàn khảo sát thực tế; tổ chức 1 đoàn giám sát chuyên đề. Đây là khối lượng công việc vô cùng lớn, có thể nói là nhiều nhất trong những năm qua.
Việc Quốc hội cho ý kiến và thông qua các dự án Luật thuộc lĩnh vực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phụ trách có ý nghĩa rất lớn, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về quốc phòng an ninh, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng và an ninh, tạo cơ sở hành lang pháp lý ngày càng vững chắc, đồng bộ, thống nhất, ổn định cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu, chủ trương của Đảng ta về bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Qua đó, góp phần quan trọng xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xây dựng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đẩy mạnh hoạt động phòng thủ dân sự, bảo vệ công trình quốc phòng, khu vực quân sự, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập cảnh, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, thu hút du lịch, đầu tư của nước ngoài.
- Xin ông chia sẻ thêm những đóng góp của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong quá trình thẩm tra, chủ trì tiếp thu, chỉnh lý các dự luật nêu trên, nhất là khi lĩnh vực quốc phòng, an ninh vốn rất khó, nhạy cảm và mang tính chuyên ngành cao?
-Trong năm 2023, với khối lượng chuyên môn trong công tác xây dựng pháp luật rất lớn, yêu cầu đòi hỏi rất cao, nhiều nội dung khó, nhạy cảm, có tác động sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, nhưng với sự tích cực, chủ động, trách nhiệm, sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa trong tất cả các giai đoạn, luôn bám sát tình hình thực tiễn cùng với sự phối hợp nhịp nhàng cùng các cơ quan liên quan, dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban đã đoàn kết, thống nhất thực hiện thắng lợi các nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 về lĩnh vực quốc phòng an ninh và nhiều nhiệm vụ đột xuất khác, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực Ủy ban đã rất cầu thị, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia góp ý của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến của người dân, các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của các quy định được đưa ra tại các dự thảo luật. Ủy ban cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan khác của Quốc hội tiếp thu tối đa ý kiến, chỉnh sửa, giải trình hết sức kỹ lưỡng, chu đáo, cẩn trọng. Điều này giúp cho các dự án luật trình Quốc hội bảo đảm chất lượng, được đại biểu Quốc hội tán thành và biểu quyết thông qua với tỷ lệ rất cao.
Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và khảo sát thực tế
- Một điểm rất được Ủy ban chú trọng là tiến hành khảo sát tình hình thực tế trước khi thẩm tra các dự án luật. Với sự chuẩn bị từ rất sớm như vậy, chất liệu thực tiễn được đưa vào quá trình thẩm tra như thế nào, thưa ông?
- Việc tiến hành khảo sát tình hình thực tế trước khi tiến hành thẩm tra các dự án luật thật ra không phải là điểm mới trong năm 2023 Ủy ban mới tiến hành, mà trước đây đã thực hiện rất nhiều. Trên tinh thần “chủ động từ sớm, từ xa”, ngay sau khi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Ủy ban đã sớm chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan chủ trì soạn thảo, cùng với các Tỉnh ủy, UBND, HĐND và các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức thành công nhiều đoàn khảo sát thực tế kết hợp tổ chức các tọa đàm về các dự án luật được phân công trên các vùng miền của đất nước để có thêm chất liệu, thông tin quan trọng cho hoạt động thẩm tra các dự án luật. Đây là cách làm có thể nói rất hay và sáng tạo trong thời gian qua, tạo tiền đề quan trọng, giúp Ủy ban tiếp nhận nhiều ý kiến tham gia cụ thể, xác đáng, toàn diện, đầy chất liệu thực tiễn và giá trị, giúp ích rất lớn, góp phần tăng tính phản biện trong các báo cáo thẩm tra của Ủy ban.
- Trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp khó dự báo của tình hình quốc tế và khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, xin ông chia sẻ những trọng tâm hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong năm 2024?
- Thời gian tới, dự báo tình hình khu vực và quốc tế vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này tác động rất lớn đến mọi mặt của đất nước ta, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi rất cao, rất đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Trong năm 2024, nhiệm vụ lập pháp, xây dựng pháp luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh rất lớn. Riêng Kỳ họp thứ Bảy, Ủy ban được phân công chủ trì tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua 6 dự thảo Luật quan trọng như: dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự thảo Luật Đường bộ, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp… Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban còn được phân công chủ trì tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện 1 giám sát chuyên đề. Cùng với đó là việc thực hiện các hoạt động đối ngoại và các nhiệm vụ đột xuất khác… Với khối lượng công việc rất lớn và rất gấp như vậy đòi hỏi Ủy ban Quốc phòng và An ninh phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng ta, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, năm 2024 và những năm tiếp theo, Ủy ban sẽ chủ động bám sát vào chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, phương hướng nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ trì thẩm tra thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ lập pháp theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hướng tới xây dựng một hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh đồng bộ, thống nhất, ổn định và khả thi.
- Xin cảm ơn ông!