Hungary dự kiến sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch EU từ ngày 1.7 và sẽ giữ chức vụ này cho đến cuối năm nay. Trong thời gian sáu tháng, các nhà ngoại giao Hungary sẽ chủ trì các cuộc họp tại Brussels và định hình chương trình nghị sự chính trị của EU.
Cùng với khẩu hiệu, Hungary cũng công bố logo cho nhiệm kỳ Chủ tịch là hình khối rubik cách điệu được tạo thành từ 27 phần tử đại diện cho số quốc gia thành viên EU.
Bộ trưởng Hungary phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu, Janos Boka, nói rằng khẩu hiệu của Hungary nhằm hướng đến một nhiệm kỳ lãnh đạo EU chủ động và nhằm mục đích chứng tỏ rằng “cùng nhau, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn thay vì tách rời”.
Ông Janos Boka cho biết trong nhiệm kỳ của mình Hungary sẽ tập trung vào 7 ưu tiên, gồm tăng cường khả năng cạnh tranh của EU, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và hợp tác mua sắm quốc phòng giữa các quốc gia thành viên EU, bảo vệ biên giới ngoài của EU, ủng hộ chính sách nông nghiệp châu Âu lấy nông dân làm trung tâm, giải quyết vấn đề mở rộng EU trong tương lai và vấn đề nhân khẩu học của châu Âu.
Giới quan sát ngay lập tức nhận định, khẩu hiệu của Hungary có sự tương đồng với khẩu hiệu “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Phản ứng trước thông tin trên, ông Boka phủ nhận sự giống nhau trong khẩu hiệu của Hungary với khẩu hiệu của ông Trump khi nói đùa rằng “Tôi không biết rằng Donald Trump cũng từng muốn khiến châu Âu vĩ đại trở lại”.
Ông nói thêm rằng, Hungary đang tiếp quản chức Chủ tịch EU trong “một điều kiện vô cùng khó khăn”, ám chỉ cuộc chiến ở Ukraine cũng như phong trào cực hữu đang lan rộng trên toàn châu Âu. Ông cũng cho rằng nhập cư bất hợp pháp là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà khu vực cần phải giải quyết.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban là một nhân vật theo đuổi các chính sách đi ngược lại với Brussels và từng phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích của các đồng nghiệp châu Âu khác. Kể từ khi bắt đầu xung đột Ukraine vào năm 2022, Budapest không ủng hộ chính sách viện trợ vũ khí cho Kiev, thay vào đó kêu gọi giải pháp ngoại giao và duy trì quan hệ kinh tế với Nga.
Hungary cũng phải đối mặt với sự chỉ trích ở EU vì tuân theo chính sách di cư của chính mình, rõ ràng là mâu thuẫn với các quy tắc của khối. Tòa án Công lý châu Âu (ICJ) tuần trước đã phạt Budapest 200 triệu euro (216 triệu USD) vì hạn chế quyền tiếp cận các thủ tục bảo vệ quốc tế và trục xuất bất hợp pháp công dân nước thứ ba.
Bảo vệ lập trường của mình về viện trợ Ukraine và nhập cư, Orban lập luận rằng các chính sách của ông nhằm bảo vệ lợi ích của người dân Hungary.