Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm. Tập đoàn đang chủ động, tích cực xây dựng - triển khai các phương án đón đầu công nghệ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phấn đấu trở thành một trong những Tập đoàn hàng đầu khu vực ASEAN về lĩnh vực hóa chất.
Hài hòa “mối quan hệ ba nhà”
- Thưa ông, sau rất nhiều đóng góp tâm huyết và kỳ vọng, ngày 26.11.2024, Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Khóa XV, Kỳ họp thứ Tám thông qua. Trong đó, quy định phân bón được áp thuế 5%. Quy định mới này sẽ giúp cho đối tượng trực tiếp chịu tác động là nông dân được hưởng lợi như thế nào, thưa ông?
- Là vật tư nông nghiệp quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của nước ta, nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 10,5 - 11 triệu tấn các loại. Theo Luật Thuế số 71/2014/QH13, phân bón nhập khẩu không có thuế giá trị gia tăng. Điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam nhưng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như nông dân - đối tượng trực tiếp chịu tác động. Mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế VAT” trong suốt những năm qua, khiến các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào, đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón.
Với nỗ lực và vị thế của mình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã thể hiện được vai trò trụ cột dẫn dắt ngành công nghiệp hóa chất của đất nước. Tập đoàn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1985; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1999; Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2004; Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai năm 2009; Cờ Thi đua Chính phủ cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, Tập đoàn đang chủ động - tích cực xây dựng, triển khai các phương án đón đầu công nghệ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phấn đấu trở thành một trong những Tập đoàn hàng đầu khu vực ASEAN về lĩnh vực hóa chất.
Với việc phân bón được đưa trở lại mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp trong ngành sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, có thêm động lực đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô để gia tăng năng lực cạnh tranh. Từ đó có nhiều dư địa hơn giảm giá thành sản phẩm tới tay người nông dân. Mặt khác, doanh nghiệp có động lực đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới làm tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, do đó tăng năng suất trồng trọt bền vững... Điều này sẽ làm tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
- Việc đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân mà còn tạo động lực đổi mới công nghệ sản xuất phân bón cho các doanh nghiệp, mang lại lợi ích lâu dài, phát triển bền vững, thưa ông?
- Việc điều chỉnh chính sách thuế lần này là động lực quan trọng, tác động thúc đẩy ngành sản xuất trong nước, không chỉ phục vụ tốt hơn cho nông dân mà còn đóng góp cho sự phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hướng đến kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính, việc bảo vệ môi trường hiện nay là vấn đề cấp thiết trên toàn cầu.
Khi doanh nghiệp có động lực đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, kỹ thuật nhằm giảm lượng tiêu thụ năng lượng, giảm lượng phát khí thải, ô nhiễm môi trường nước, không khí... Đồng thời, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích lâu dài cho ngành nông nghiệp, tạo ra hướng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp phân bón trong nước. Đứng trên tổng thể có thể thấy rõ lợi ích nền kinh tế, giải quyết hài hòa được “mối quan hệ ba nhà”: Nhà nước - Nhà nông – Doanh nghiệp.
Tái tạo - ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường
- Nhìn lại năm 2024 với nhiều biến động có thể thấy, với sự đồng hành, quyết tâm chung tay vượt khó, tập thể Vinachem đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là trong đổi mới cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, thưa ông?
- Năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn – thách thức nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tập trung tháo gỡ một số đơn vị khó khăn; với tinh thần chủ động triển khai, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cộng hợp năm 2024 của Tập đoàn đều đạt và vượt kế hoạch; chăm lo tốt đến đời sống, bảo đảm việc làm và thu nhập của người lao động với mức gần 15 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn đã tập trung thực hiện đạt kết quả một số nhiệm vụ quan trọng: hoàn thiện Chiến lược phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, được Ủy ban trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Tích cực chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao để cơ cấu lại 3 dự án phân bón là: dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP2 Lào Cai theo Kết luận của Bộ Chính trị. Hiện, các dự án này đều hoạt động với trên 90% công suất máy và có hiệu quả rõ rệt, trả nợ ngân hàng theo đúng kế hoạch.
Công tác đổi mới cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Cùng với triển khai thực hiện Quyết định số 1265/QĐ-TTg ngày 28.10.2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2022-2025 và Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đến năm 2025, tập đoàn đã hoàn thành một số nội dung liên quan đến công tác quản lý, sắp xếp lại và xử lý nhà đất; tiếp tục triển khai thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp theo Quyết định số 1265/QĐ-TTg ngày 28.10.2023 của Thủ tướng Chính phủ… Kết thúc năm tài chính 2024 với những kết quả đã đạt được, Tập đoàn phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 5 năm sớm vào quý I.2025 – sớm hơn 9 tháng so với kế hoạch đã đề ra.
Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn chỉ đạo Công ty TNHH MTV, người đại diện vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp tiếp tục rà soát, cơ cấu lại tổ chức các đơn vị theo hướng tinh giản lao động, giảm đầu mối trung gian; rà soát, bổ sung, cập nhật các quy chế, quy trình theo các quy định mới ban hành và tăng cường công tác quản lý; tiết kiệm chi phí...
- Xanh hóa công nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu đem lại hiệu quả bền vững trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là trong kỷ nguyên mới của dân tộc. Ngành hóa chất Việt Nam đã chủ động thúc đẩy xanh hóa - sản xuất hóa chất và phân bón như thế nào, thưa ông?
- Phát triển xanh đang trở thành xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết bảo đảm phát triển bền vững được ngành hóa chất ưu tiên hàng đầu. Xuyên suốt quá trình hoạt động, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường bằng nhiều hoạt động thiết thực. Tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành hóa chất Việt Nam (19.8.1969 - 19.8.2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: “Phải chú trọng đầu tư phát triển để tận dụng các cơ hội mới, nhất là trong xu thế chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”.
Thực hiện chỉ đạo này, Tập đoàn Hóa chất sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các nguyên tắc kinh tế xanh, không ngừng đổi mới - sáng tạo để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Với chính sách và kinh nghiệm trong công tác quản trị, biến động để vượt khó những năm gần đây sẽ là cơ sở để Vinachem thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng - phát triển xanh trong kỷ nguyên mới, quyết tâm xây dựng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ngày càng phát triển xanh, bền vững.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!