Kỷ nguyên mới: Phồn vinh, hùng cường và hạnh phúc
Kỷ nguyên mới đối với đất nước sẽ là một vị thế hoàn toàn mới của Việt Nam trên bản đồ kinh tế, chính trị thế giới và trong con mắt bạn bè quốc tế. Đó là hình ảnh về một đất nước thịnh vượng, phồn vinh về kinh tế, độc lập tự chủ về chính trị, an ninh quốc phòng, văn minh, hiện đại, giàu văn hóa và người dân có một cuộc sống an toàn, bình an, hạnh phúc.
Để phồn vinh về kinh tế và trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần đạt mức thu nhập bình quân đầu người là 14.005 USD theo như định nghĩa của Ngân hàng Thế giới. Điều này có nghĩa là trong vòng hai thập kỷ tới, Việt Nam cần phải tăng hơn gấp ba lần thu nhập bình quân theo đầu người như hiện nay. Cụ thể hơn, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trong 20 năm tới phải được duy trì bền vững, bền bỉ, liên tục hàng năm ở mức tối thiểu 6% mỗi năm và mức tăng năng suất lao động ở mức 6,5% mỗi năm trong điều kiện tốc độ tăng dân số được duy trì như hiện nay.
Kinh tế phát triển cùng với các nỗ lực nhằm xây dựng năng lực tự cường, tự chủ của nền kinh tế sẽ là nền tảng cho việc củng cố sự độc lập, tự chủ về chính trị, an ninh và quốc phòng cũng như tạo nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, sinh thái và các hệ thống an sinh xã hội nhằm mang lại phúc lợi xã hội lớn hơn cho người dân.
Và lớn hơn tất cả đó là hạnh phúc của người dân. Hạnh phúc của người dân sẽ được đo lường bởi việc “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như lời của Bác Hồ, hơn 100 triệu dân có ấm no và hạnh phúc, dân chủ với cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, được sống trong môi trường xanh và sạch, được chăm sóc khi già yếu. Hạnh phúc của người dân được hiện thực hóa bằng việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, với sự nhất quán về chính sách coi con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.
Xanh là cốt lõi của hạnh phúc và thịnh vượng
Xanh là một trong những biểu tượng của nền kinh tế thịnh vượng và một yếu tố cốt lõi bảo đảm hạnh phúc của người dân. Sự thịnh vượng của nền kinh tế và hạnh phúc của người dân trong kỷ nguyên mới cũng được đo lường bằng chất lượng của môi trường sống, với tư duy nhất quán về việc không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế và phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050.
Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) cũng định nghĩa kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội. Điều này cũng có nghĩa là tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới của Việt Nam sẽ cần bảo đảm đồng thời mục tiêu bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững, với mức phát thải carbon thấp, tài nguyên được sử dụng hiệu quả và bảo đảm công bằng xã hội.
Thay đổi về tư duy tăng trưởng
Hành trình chuyển đổi từ kinh tế nâu sang xanh sẽ thay đổi tư duy về tăng trưởng của Việt Nam. Tăng trưởng trong giai đoạn tới đây sẽ không chỉ còn thuần túy là về sản lượng mà sẽ được chú trọng hơn về chất lượng, đặc biệt là những yếu tố liên quan tới môi trường. Chất lượng của nền kinh tế sẽ được đánh giá nhiều hơn từ góc độ xanh và mức độ đóng góp cho mục tiêu chuyển từ mô hình tăng trưởng nâu sang xanh
"Sự thịnh vượng của nền kinh tế và hạnh phúc của người dân trong kỷ nguyên mới cũng được đo lường bằng chất lượng của môi trường sống, với tư duy nhất quán về việc không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế".
Nền kinh tế sẽ được đánh giá, đo lường từ góc độ hiệu quả trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon, hiệu quả về tài nguyên như thế nào. Không chỉ còn là các chỉ tiêu thống kê về sản lượng công nghiệp, nông nghiệp hay hàng hoá, dịch vụ, nền kinh tế sẽ được đánh giá bằng các chỉ tiêu về tiến độ hướng tới việc giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện hiệu quả năng lượng và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo thông qua các chỉ tiêu như lượng khí thải carbon dioxide bình quân đầu người, cường độ tiêu hao năng lượng tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ năng lượng tái tạo trong mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng.
Tư duy tăng trưởng cũng hướng tới việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và vốn thiên nhiên. Bên cạnh các chỉ tiêu về sản lượng của ngành lâm nghiệp, các chỉ tiêu như diện tích rừng tính theo diện tích đất, số khu bảo tồn trên 1.000 dân và giá trị gia tăng từ các dịch vụ hệ sinh thái sẽ đóng vai trò quan trọng để đánh giá kết quả từ quá trình tăng trưởng xanh.
Nền kinh tế xanh cũng hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống về môi trường của con người. Nền kinh tế xanh do vậy sẽ được đánh giá bằng các chỉ tiêu đo lường tiến độ hướng tới việc nâng cao sức khỏe, phúc lợi và công bằng xã hội của con người thông qua các chính sách và hành động về môi trường, như chỉ số chất lượng không khí và bất bình đẳng thu nhập.
"Mỗi dự án dù rất lớn hay rất nhỏ, đều cần được lồng ghép những mục tiêu về đóng góp cho tăng trưởng xanh ngoài các mục tiêu truyền thống như doanh thu, lợi nhuận hay việc làm. Mỗi người dân, thông qua hành vi tiêu dùng của mình, sẽ "bỏ phiếu" cho các sản phẩm, dịch vụ, các doanh nghiệp xanh".
Quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh của Việt Nam cũng được đánh giá từ góc độ hiệu quả thực hiện các chính sách và hiện thực hóa các cơ hội kinh tế liên quan đến tăng trưởng xanh. Nền kinh tế xanh cần có một môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo xanh, đầu tư, thương mại và khả năng cạnh tranh. Việt Nam cần có nhiều hơn số đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến công nghệ xanh trên một triệu dân, tỷ trọng cao hơn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực xanh theo tỷ lệ tổng vốn FDI và doanh thu xuất khẩu từ các sản phẩm hoặc dịch vụ xanh trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chung sức, chung lòng cùng hành động
Thực hiện tầm nhìn thịnh vượng, phồn vinh, đất nước sẽ gia nhập hàng ngũ các nước phát triển, thu nhập cao, hiện đại với nền kinh tế chuyển dịch thành công sang mô hình tăng trưởng xanh vào năm 2045 sẽ là một chặng đường nhiều thách thức và đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của cả dân tộc. Mỗi một chủ thể trong nền kinh tế sẽ phải có những nỗ lực vượt bậc, thậm chí phi thường để hiện thực hóa khát vọng này.
Trong quá trình này, Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo với các chính sách để phát huy tốt nhất cơ chế, vai trò của thị trường và các chủ thể khác của nền kinh tế nhằm huy động và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất cho tăng trưởng kinh tế theo định hướng xanh và bền vững. Các quy định pháp luật, chính sách phát triển, quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành và địa phương ngoài các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững cần được lồng ghép các chỉ tiêu đo lường về tiến độ chuyển dịch sang xanh của nền kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư là hạt nhân để hiện thực hóa khát vọng này bằng các ý tưởng kinh doanh, các dự án đầu tư được thực hiện. Mỗi dự án này, dù rất lớn hay rất nhỏ, đều cần được lồng ghép những mục tiêu về đóng góp cho tăng trưởng xanh ngoài các mục tiêu truyền thống như doanh thu, lợi nhuận hay việc làm. Trong khi đó, mỗi người dân, ngoài là người lao động hay một công dân bình thường, còn là một người tiêu dùng có trách nhiệm với xã hội và với môi trường. Thông qua hành vi tiêu dùng của mình, người dân sẽ "bỏ phiếu" cho các sản phẩm, dịch vụ, các doanh nghiệp xanh.
Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng và mục tiêu tăng trưởng xanh không phải là chặng đường dễ dàng, bằng phẳng nhưng sẽ là khả thi khi cả nước cùng chung sức, chung lòng trong nhận thức, tư duy và hành động.