ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương):
Không nên đặt nặng biên chế, kinh phí mà phải xem tính hiệu quả thực tiễn
Tôi cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vì thực tiễn đã khẳng định "dân có an dân mới giàu, nước mới mạnh". Cơ sở là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, trực tiếp giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh. An ninh, trật tự ở cơ sở ổn định là điều kiện nền tảng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và đất nước.
Qua khảo sát, lắng nghe ý kiến của cử tri, nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tôi đề nghị quy định rõ đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ có liên quan, giải thích rõ phạm vi "cơ sở" trong dự thảo Luật để xác định rõ thành lập lực lượng này ở cấp xã hay đến thôn, tổ dân phố, từ đó xác định mối quan hệ của lực lượng này với các lực lượng khác trong hệ thống chính trị.
Đồng thời, nghiên cứu, tổng kết các nội dung phù hợp của Nghị định số 06/2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự để đưa vào luật vì trong nội hàm nghị định này có nhiều nội dung rất rõ liên quan đến biện pháp, chính sách và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Căn cứ vào quy mô dân số, quy mô kinh tế và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương sẽ thành lập lực lượng này ở cấp xã. Riêng ở thôn, tổ dân phố thì rà soát, kiện toàn, hợp nhất các mô hình tổ chức trước đây, cụ thể là mô hình nào ở thôn, ấp do công an quản lý, cần rà soát lại để thống nhất thành một tổ chức, không chồng chéo, rõ phạm vi hoạt động; tổ chức nào do quân sự, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thành lập, cần có cơ chế phối hợp hoạt động của các lực lượng này.
Về việc thành lập, xây dựng lực lượng tại Điều 13 và Điều 14, để quản lý thống nhất Nhà nước, tôi kiến nghị có quy định khung số lượng tối đa trên một xã phường, thị trấn là bao nhiêu theo dân số, diện tích và đặc thù của từng địa phương. Qua khảo sát thực tế từ cơ sở, tôi cho rằng, việc xây dựng lực lượng này không nên đặt nặng vấn đề tăng biên chế và kinh phí mà cần phải xem xét đến tính hiệu quả thực tiễn và sự cần thiết của chính sách trong bối cảnh hiện nay. Đảng, Nhà nước ta đang chủ trương hướng mạnh về cơ sở, mỗi chủ trương, chính sách pháp luật phải xuất phát từ cơ sở để hoàn thiện. Việc phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ rất nhiều cho cơ sở thì cần phải bố trí đủ nguồn lực để cơ sở hoạt động hiệu quả.
ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum):
Phát huy vai trò nòng cốt xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự
Việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong tình hình hiện nay là rất cần thiết. Với vai trò nòng cốt xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự tham gia hỗ trợ lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ, lực lượng này sẽ góp phần quan trọng để giữ vững ổn định an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn xã hội ngay từ cơ sở. Quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã tiến hành bài bản, công phu. Các vấn đề còn ý kiến khác nhau đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tham mưu Chính phủ báo cáo giải trình, nhìn chung là rất rõ và đầy đủ.
Về số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng các chức danh tổ trưởng, tổ phó, tổ viên. Tại điểm b khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật quy định "giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp". Tôi hoàn toàn thống nhất với việc giao HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định vấn đề này. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, quyết định đến tổng số người hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong cả nước, liên quan đến ngân sách chi trả chế độ, chính sách và điều kiện đảm bảo hoạt động của lực lượng này. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí làm căn cứ để các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng chức danh của tổ bảo vệ an ninh trật tự. Ví dụ xã, phường, thị trấn loại 1 thì có tối đa bao nhiêu tổ bảo vệ an ninh, trật tự, tối đa bao nhiêu chức danh của tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Trên cơ sở mức tối đa đã được quy định và tình hình thực tế của địa phương UBND cấp tỉnh sẽ xem xét trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp xã.
ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang):
Nên có cơ chế xã hội hóa huy động nguồn lực bảo đảm hoạt động
Việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tôi đề nghị quy định cụ thể về cơ chế xã hội hóa trong huy động các nguồn lực bảo đảm hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tại khoản 1 Điều 16 quy định "kinh phí bảo đảm hoạt động và trang thiết bị, cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác. Đối với các địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện theo khả năng cân đối ngân sách trung ương".
Theo quy định trên thì kinh phí hoạt động và trang thiết bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chủ yếu là do ngân sách địa phương bảo đảm. Điều này không thực sự khả thi, nhất là đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách, trong khi nhu cầu về số lượng thành viên của tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại các thôn, tổ dân phố có thể ngày càng tăng do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa, bổ sung khoản 1 Điều 16 nêu trên theo hướng "kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm một phần và một phần được bảo đảm từ nguồn tài chính huy động hợp pháp khác". Qua đó nhằm từng bước góp phần giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước do số lượng những người đang tham gia được hưởng lương, hưởng phụ cấp và hỗ trợ khác từ ngân sách hiện nay là rất lớn.
Có thể nên nghiên cứu luật hóa việc thành lập Quỹ hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do cấp xã trực tiếp huy động, quản lý và sử dụng. Việc chi bồi dưỡng, hỗ trợ cho những người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố sẽ chủ yếu huy động từ quỹ này, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho những nơi khó khăn. Qua đó, nhằm thúc đẩy xã hội hóa trong huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời làm cho mỗi thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố nêu cao hơn tinh thần trách nhiệm khi biết rằng chế độ, chính sách mà mình được hưởng gồm hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế và một số hỗ trợ khác là do các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng đóng góp hỗ trợ.