Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19.10.
Bộ trưởng cho rằng, ngày 19.10 - ngày tổ chức Hội thảo này chắc chắn sẽ là ngày đáng nhớ trong chặng đường góp sức vào sự tạo dựng và phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam trong tương lai.
Đây là “thời điểm, thời khắc, thời cơ”
Nhấn mạnh tới chữ “thời”, Bộ trưởng khẳng định đây là “thời điểm, thời khắc, thời cơ”. Theo đó, chúng ta vẫn ao ước có lĩnh vực công nghiệp đi được vào lĩnh vực cốt lõi. Chúng ta đã có nhiều nhiệm kỳ của Trung ương Đảng cho rằng, “sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước chưa đạt như mong muốn”.
Nhưng ở thời điểm này, nếu tận dụng được, chúng ta đang có một cơ hội lớn - khi dịch chuyển FDI trên phạm vi toàn cầu, khi các quan hệ quốc tế thay đổi, khi vị thế của Việt Nam có điều chỉnh, khi sự tin cậy trong quan hệ quốc tế có thể mang lại sự tin cậy, sự chia sẻ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật.
Bên cạnh đó, các trường đại học cách đây 20 năm “chưa chắc gánh vác được”, nhưng với tiềm lực của các trường đại học cả công, cả tư, với hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự quan tâm của Chính phủ, các đại phương hiện nay, Bộ trưởng cho rằng “thời cơ đã chín muồi”.
“Chúng ta thấy một sứ mệnh, trách nhiệm đặt lên vai toàn bộ hệ thống giáo dục đại học. Nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chúng ta nâng được tầm và vị thế của đất nước. Câu chuyện này không phải là câu chuyện của một lĩnh vực sản xuất bình thường.
Đây là trách nhiệm, sứ mệnh của chúng ta mà không được để lỡ nhịp này. Nếu để lỡ nhịp này, chúng ta “có tội” với đất nước. Nếu làm được, chúng ta nâng được vị thế quốc gia, nâng được vị thế của cả hệ thống giáo dục đại học. Chúng ta có diện mạo mới”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng giáo dục đại học chưa đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, đây là cơ hội để khẳng định chúng ta có thể cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực phát triển công nghệ, kỹ thuật. Nếu làm tốt vấn đề đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực này, sẽ thấy sự thay đổi lớn của toàn xã hội về hệ thống đại học.
“Nếu phát triển được nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực này, các chỉ số công bố khoa học sẽ gia tăng, phát minh sáng chế sẽ gia tăng, tiềm lực về khoa học và tiềm lực về đào tạo của hệ thống các trường sẽ gia tăng, sẽ có diện mạo mới và đây là cơ hội hiện đại hoá hệ thống đại học; trong đó, đặc biệt là các trường kỹ thuật và công nghệ”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo Bộ GD-ĐT ý thức được sâu sắc trách nhiệm và sứ mệnh của ngành và xác định, đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số một trong các chỉ đạo chuyên môn của phần giáo dục đại học, trước hết trong năm 2024 và các năm sau.
“Câu chuyện mới chỉ là bắt đầu, khó khăn còn chồng chất phía trước”
Bên cạnh chữ “thời”, người đứng đầu ngành Giáo dục Đào tạo cũng nhắc tới chữ “cao”. Theo đó, nhu cầu trong lĩnh vực này đang cao. Đây là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có lương cao… nhưng phải đào tạo với tinh thần chất lượng cao. Do đó, Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần thống nhất rằng “câu chuyện mới chỉ là bắt đầu, khó khăn còn chồng chất phía trước”, với quyết tâm rất cao mới có thể làm được.
“Chúng ta đừng tự lạc quan; cũng đừng nghe vậy rồi mai tất cả cùng tuyển sinh, đào tạo. Chúng ta có trí tuệ, có dữ liệu, có kế hoạch, với quyết tâm cao nhưng phải có lộ trình, bài bản, chắc chắn”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh tới từ “Cần có các giải pháp đột phá”. Lý do bởi đây là ngành mới, không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ; phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ.
Bộ trưởng cho rằng trước hết những giải pháp về mặt thể chế, cần đề xuất những tầm giải pháp cao hơn như Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội.
Với các trường đủ quyết tâm chứng minh được khả năng của mình thì sẵn sàng cho các trường tuyển sinh sớm. Về phía Bộ GD-ĐT sẵn sàng ban hành Thông tư, quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài… Với các thành tố của đào tạo, các trường cần nghĩ đột phát hơn nữa, không nên quá rụt rè. Trách nhiệm của Bộ là tạo ra niềm tin, chỗ dựa pháp lý và chỉ đạo để các trường có thể thực hiện được.
Cần hướng đến tư duy toàn cầu. Phải phát triển cả nghiên cứu và đào tạo, nghĩ đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp cả nguồn nhân lực cho nước ngoài.
“Hãy ao ước đến một ngày giảm xuất khẩu lao động giản đơn như bây giờ để nghĩ đến có một lớp người đi làm cho thế giới với nguồn thu nhập khác và tư thế khác. Nhưng cũng phải có lộ trình, không thể ào ào”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết về phía trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, sẽ chuẩn bị về thể chế. Trong đó, chủ trì xây dựng một kế hoạch để phát triển và sẽ có một bộ phận điều hành để có sự điều phối về cả nhân lực chung, cơ sở vật chất chung, thậm chí cần chia sẻ chương trình đào tạo với nhau để giảm bớt thời gian biên soạn chương trình. Sẽ chỉ đạo để trong thời gian sớm nhất hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này và các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt. Đảm bảo niềm tin về chất lượng, không bỏ qua yêu cầu về chất lượng.
Tăng cường chia sẻ và dùng chung, tăng cường cả các chương trình liên kết với nước ngoài, tăng cường chia sẻ doanh nghiệp về chỗ thực tập, thực hành, đóng góp. Doanh nghiệp tăng cường đặt hàng để đào tạo chắc chắn ngay từ đầu, tránh việc phải đào tạo lại.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ có hệ thống điều tiết, cả dữ liệu về người học, giáo viên, chế độ chính sách để tiết kiệm nhất chi phí nguồn lực chuẩn bị của các cơ sở. Hệ thống công - tư cùng đồng hành.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, giải pháp nhiều, quyết tâm lớn, thành bại lại ở chính con người. Trước tiên, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học cần chuyển tải tinh thần xuống đến chuyên gia, từng nhân viên. Tận dụng tự chủ đại học đã và đang có vận dụng cho vấn đề này tối đa. Có kế hoạch thành lập các đơn vị nếu cần thiết. Về mặt tổ chức cân nhắc ưu tiên về tài chính, cân nhắc các kiến nghị cần có, giải pháp và lộ trình.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT bày tỏ quyết tâm rất cao, mong các cơ sở giáo dục đại học đều tự xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ, vinh quang khi tham gia vào công việc đào tạo, nghiên cứu. Trường nào có quyết tâm và giải pháp đúng, trường ấy sẽ có sự bứt phá; trường nào tham gia không đủ quyết tâm, giải pháp sẽ bị bỏ lại phía sau và khoảng cách giữa các trường sẽ còn gia tăng.
“Bộ GD-ĐT ủng hộ những trường quyết tâm, để chúng ta cùng nhau có những kết quả trong thực tế, từ đây làm thay đổi cái nhìn của thế giới, xã hội, đất nước về hệ thống giáo dục đại học. Tất cả cùng nhau cố gắng cho một mục tiêu chung không chỉ là việc làm mà là vấn đề vị thế quốc gia. Mong chúng ta cùng nhau cố gắng và có giải pháp phù hợp để có kết quả trong hiện thực, chứ không chỉ là khẩu hiệu, phong trào.
Mong các doanh nghiệp truyền cảm hứng cho học sinh và phụ huynh, mùa tuyển sinh sắp tới các trường cũng tích cực trong tư vấn tuyển sinh”, Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng.