Đây là nhận định chung của nhiều giáo viên một số tỉnh, thành phố phía Nam gửi đến Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022".
Không lo cháy giáo án
Môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình mở, nguồn học liệu mở, phương pháp tiếp cận mở, nhiều tác phẩm văn học mới, đa dạng về nội dung và thể loại… được tổ chức theo trục kỹ năng, mỗi tiết học bám sát hoạt động giao tiếp với các kỹ năng đọc, nói, nghe, viết. Và, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy học, chứ không phải là "pháp lệnh"… Giáo viên không còn lệ thuộc một ngữ liệu bắt buộc như trước mà có quyền lựa chọn văn bản phù hợp với học sinh của mình, được chủ động toàn bộ hoạt động giáo dục theo kế hoạch chuyên môn đã được phê duyệt. Theo đó, tùy vào đối tượng học sinh, người dạy có thể đi sâu, mở rộng hoặc không dạy một số đơn vị kiến thức nên không bị áp lực về thời gian, không phải lo “cháy giáo án” hoặc không hoàn thành bài dạy như chương trình cũ.
Khẳng định điều này tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát, cô Phạm Thị Ngát, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông cho rằng, sự linh hoạt về phương pháp, kỹ thuật dạy học, đa dạng hình thức, phương thức và kết hợp giữa kiểm tra định tính qua hồ sơ học tập, quan sát, nhận xét với kiểm tra định lượng cho điểm bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ và cuối kỳ, giúp học trò không còn... sợ giờ văn, biết viết văn, biết diễn đạt ý, giảm lỗi chính tả và dùng từ… Học sinh hiểu và vận dụng tri thức tích hợp giải quyết vấn đề nêu ra. Qua kiểm tra định tính quan sát, nhận xét và kiểm tra định lượng theo tiêu chí, yêu cầu thích hợp với mỗi đối tượng, mỗi nhà trường, giáo viên sẽ đánh giá được năng lực, sở trường và thế mạnh, giúp các em hình thành tư duy hướng nghiệp cho lớp 12 và chuẩn bị cho cuộc sống sau này.
Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Ngát thì việc chuyển từ phương pháp dạy đọc chép, ghi nhớ sang phương pháp hướng dẫn học sinh, lần đầu tiên chủ động tìm hiểu, cảm nhận và trình bày ý hiểu là việc không dễ và cần thời gian để các em tiếp cận, thích ứng. Trong học kỳ I vừa qua, kết quả môn Ngữ văn của học sinh khối 10 của nhà trường, dù thấp hơn những năm học trước nhưng tinh thần, thái độ, niềm hứng thú đối với môn học có sự chuyển biến rõ rệt. Học sinh tích cực, tự giác hơn, tự chủ trong việc giải quyết nhiệm vụ học tập. "Chúng tôi tin rằng, trong những năm học kế tiếp, các em sẽ thích ứng với chương trình và sách giáo khoa mới và chất lượng môn học cũng được tăng lên", cô Phạm Thị Ngát nói.
Giáo viên phải chủ động lĩnh hội kiến thức
Ghi nhận bước đầu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đó là bảo đảm sự phát triển về phẩm chất và năng lực, cụ thể với sách giáo khoa, một trong những điểm mới từ năm học này, đó là giáo viên được chủ động lựa chọn loại sách phù hợp. Khi giáo viên được chủ động lựa chọn sẽ chủ động được cả về phương pháp và hình thức giảng dạy, cô Nguyễn Thị Kim Phụng - giáo viên Địa lý, Trường THPT chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước cho biết.
Cũng theo cô Nguyễn Thị Kim Phụng, môn Địa lý theo Chương trình mới có 2 phần là Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế - xã hội. Trong phần Địa lý kinh tế - xã hội, sách giáo khoa mới đưa ra được những vấn đề mới, cập nhật và liên hệ thực tiễn, mang tính thời sự cao. Từ đó có thể hướng dẫn cho học sinh các vấn đề mang tính thời sự, như sự thay đổi của thế giới trong thời điểm hiện tại. Về phần Địa lý tự nhiên, nội dung này được giảm tải nhiều hơn so với Chương trình cũ, hình thức trình bày hấp dẫn hơn giúp các em dễ dàng tiếp cận; thời lượng thực hành được tăng lên làm cho khả năng sáng tạo, trải nghiệm của học sinh với môn học được phát triển hơn.
Với chương trình sách giáo khoa mới, giáo viên có thể thêm các định hướng khác, tạo sự linh hoạt, chủ động cho người dạy. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Kim Phụng cũng nêu rõ, một số nội dung trong sách giáo khoa và chuyên đề còn nặng và dài. Vì tính phân hóa cao, nên thách thức đặt ra cho giáo viên là phải xây dựng được kế hoạch giảng dạy, làm thế nào để có được phương pháp phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau.
"Từ khi tham gia tập huấn giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi nhận ra một điều rằng, giáo viên phải chủ động lĩnh hội kiến thức thì mới giảng dạy được học sinh. Bước đầu giảng dạy chương trình mới, chắc chắn sẽ luôn có khó khăn. Nhưng khi chủ động đón đầu mọi thứ, mình sẽ tìm được giải pháp tháo gỡ, nếu muốn thì tìm giải pháp, không muốn thì tìm lý do. “Tàu” đã chạy rồi, mình phải theo", cô Nguyễn Thị Kim Phụng nói.
Trường Lộc Quang nằm ở địa bàn xã biên giới, tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24%, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc học trực tuyến thời điểm dịch khiến một số học sinh thụ động, không theo kịp chương trình. Chia sẻ thực tế này với Đoàn giám sát, cô Nguyễn Thị Miên, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Khối 3, Trường tiểu học Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trong quá trình thực hiện Chương trình mới, một số em khả năng thực hiện nhiệm vụ học tập chưa tốt, thiếu tính tự học, thiếu hỗ trợ từ gia đình. Vì thế, nhà trường phải luôn quan tâm đến những em này để động viên các em vươn lên trong học tập.
Thực tế cũng cho thấy, đối với học sinh, nếu có đủ sự hướng dẫn của giáo viên kết hợp với sự hỗ trợ của đồ dùng học tập thì các em sẽ có rất nhiều tiến bộ. Đặc biệt, với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nếu như đủ đồ dùng học tập, việc dạy và học sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Phần lớn các học sinh người đồng bào thường nhút nhát, tiếp thu kiến thức chậm hơn các bạn khác. Để khắc phục hạn chế nêu trên, cô Nguyễn Thị Miên cho biết, giáo viên thường tổ chức các hoạt động học tập, phát huy sự chủ động, tự tin của các em; tham gia hoạt động nhóm, tổ chức các trò chơi học tập.