Đáp ứng yêu cầu của “vùng lõm” khó khăn nhất
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh khẳng định: “Vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Có thể khẳng định, chính sách dân tộc của Đảng ta luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong suốt hơn 90 năm qua theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Thực hiện kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030; bằng Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2029;
Triển khai nghị quyết Quốc hội, sau một thời gian tích cực chuẩn bị phối hợp của các bộ ngành và các địa phương, ngày 14/10/2021 Chính phủ ra Quyết định số 1719/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có nội dung: Thực hiện cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45- QĐ/TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên ở vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh cho biết, để triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; đồng thời định hướng, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” và “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”, ngày 28/7/2022, Ủy ban Dân tộc đã ban hành kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu này... để phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của đồng bào các dân tộc với cấp ủy, chính quyền ở địa phương và Trung ương; những tồn tại, hạn chế, bất cập, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tổng thể này.
Tại hội thảo, bà Hoàng Thị Lề, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền,Uỷ ban Dân tộc thông tin, hiện nay cả nước có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 14.119.256 người và 3.680.943 hộ. Trong đó, có 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người, 14 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, trong đó có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.
Hiện có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 của toàn quốc là 97,65%, tỷ lệ người DTTS từ 15-60 biết chữ là 93,44%.
Đặc biệt các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), điện lưới quốc gia, sóng điện thoại chưa phủ đến hoặc không thể phủ đến được thì chính sách cấp ấn phẩm báo cho đồng bào đã phát huy hiệu quả rất tích cực (có trên 308.594 đối tượng thụ hưởng chính sách chủ yếu sinh sống tại các thôn, bản, xã ĐBKK, vùng sâu, vùng xa, “vùng lõm” không thể phủ sóng phát thanh, truyền hình hay internet).
Tuy nhiên, Uỷ ban Dân tộc cho rằng, hiện nay vùng đồng bào DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Để thực hiện có hiệu quả và hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia thì cần phải tăng cường, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.
Hiện nay có 19 báo, tạp chí thực hiện theo Quyết định 45/QĐ-TTg và tiếp tục thực hiện chính sách theo Đề án: “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS &MN, vùng ĐBKK” giai đoạn 2022 -2025.
Theo đó, mục tiêu của Đề án là tiếp tục thực hiện chính sách “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS&MN, vùng ĐBKK” và “Nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN, vùng ĐBKK” giai đoạn 2023-2025 nhằm thông tin, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc và tôn giáo, về đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào vùng DTTS&MN, vùng ĐBKK.
Nâng cao chất lượng nội dung, công tác phát hành ấn phẩm báo, tạp chí
Để tiếp tục phát huy những ưu điểm và khắc phục những tồn tại hạn chế, Ủy ban Dân tộc đề xuất đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, các báo, tạp chí tham gia cung cấp thông tin, truyền thông cho các đối tượng hưởng thụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo các quyết định của Thủ tướng chính phủ, căn cứ vào tôn chỉ mục đích của báo mình, sản xuất các chuyên đề mang tính chuyên ngành cho các đối tượng phục vụ ở cơ sở, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Thực hiện đổi mới này nhằm khắc phục việc đưa các thông tin chồng chéo, tràn lan, khó kiểm soát, dàn trải; phát huy được thế mạnh của các Báo, đặc biệt là hạn chế cao nhất sự nhàm chán, lãng phí… Ngoài ra, cần bổ sung các nội dung giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật, thắc mắc liên quan đến cuộc sống hàng ngày người dân địa phương; thông tin về phổ biến kiến thức về hạnh phúc gia đình, hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình…
Về đổi mới hình thức cung cấp thông tin sẽ xây dựng App chuyên trang điện tử DTTS&MN; đa dạng các kênh phát hành báo, tạp chí; đổi mới công tác vận chuyển báo, tạp chí, chuyên đề đến đối tượng hưởng thụ, bổ sung đối tượng hưởng thụ các ấn phẩm báo, tạp chí.
Phát biểu góp ý tại hội thảo, các đại biểu ở các tỉnh, thành đều đồng tình với các nội dung, mục tiêu của đề án đưa ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long bày tỏ, rất đồng tình với đề án đưa ra vì rất sát với thực tế đời sống của đồng bào dân tộc hiện nay. Ông Long cho biết, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đa số là vùng đồng bào dân tộc, tỉnh đã cấp phát gần 2 triệu số báo trong thời gian qua và thu được kết quả cần thiết nhằm thông tin tuyên truyền cho Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, ông Long kiến nghị, cần thay đổi cách phát hành các ấn, phẩm báo, tạp chí để kịp thời đến với đồng bào nhanh hơn. Các báo cần tăng cường chất lượng nội dung, thay đổi cách tuyên truyền, đưa nhiều mô hình học tập hay, nhiều hình vẽ hơn nữa để phù hợp với từng vùng đồng bào dân tộc miền núi. Mặc dù, nội dung phù hợp với từng vùng miền mỗi dân tộc ở đất nước sẽ rất khó nhưng đề án nên quan tâm tới từng vùng đồng bào theo từng giai đoạn.
Về việc áp dụng App chuyên trang điện tử DTTS&MN tới đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, theo ông Long cũng thuận lợi, cần thiết với đối tượng học sinh, thanh niên dân tộc đang đi học.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hoà Bình, Đinh Thị Thảo cũng nhất trí với đề án, đánh giá cao ban soạn thảo của đề án. Về mục tiêu đề án, theo bà Thảo cần đổi mới nâng cao chất lượng nội dung, hình thức của các báo, tạp chí. Các ấn phẩm báo, tạp chí cũng cần theo bản sắc văn hoá vùng, miền vì hiện nay phản ánh vẫn chưa cân đối, chưa nghiên cứu kỹ địa bàn vùng miền, vấn đề này cần đổi mới.
Đồng quan điểm với các ý kiến trên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, Bá Bình Yên, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, Lương Văn Khánh và Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, Nông Đức Ngọc, cho rằng, việc vận chuyển phát hành ấn phẩm báo, tạp chí nhiều khi đến chậm với đồng bào, cần thay đổi để các ấn phẩm báo đến với đồng bào kịp thời, tăng tính hấp dẫn, tăng hình ảnh minh hoạ, mang tính thời sự trong việc lựa chọn từng ấn phẩm cho phù hợp.
Đặc biệt, theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai kiến nghị cần gắn trách nhiệm cấp uỷ với việc chuyển tải báo chí tới cơ sở. Chỉ có cấp uỷ quan tâm thì báo chí được cấp kịp thời, tránh lãng phí. Mở thêm kênh thông tin như các báo điện tử, App để người dân tiếp cận dễ và nhanh nhất.
Tại hội thảo, Trưởng ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho rằng, cần thống nhất với dự thảo đề án đổi mới, phù hợp với nội dung và hình thức, mở rộng đối tượng thụ hưởng là cán bộ quản lý để nắm bắt được tình hình triển khai các ấn phẩm. Thời gian tới, với vùng sâu vùng xa báo in vẫn phù hợp với đối tượng này. Tuy nhiên, các ấn phẩm báo, tạp chí cần bổ sung thêm nội dung giải đáp pháp lý, chuyên mục tiếng dân tộc thiểu số...
Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết, hội thảo đã thu nhận được 16 ý kiến phát biểu, cơ bản là đồng ý với dự thảo của đề án. Uỷ ban Dân tộc, Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp, sát với thực tế.
“Nếu cấp uỷ các cấp cùng chung tay vào chia sẻ thì việc vận chuyển ấn phẩm báo, tạp chí thuận lợi hơn, nhanh hơn tới cơ sở, đồng bào dân tộc thiểu số” – bà Hạnh nhấn mạnh.
130 tỷ đồng thực hiện Đề án
Theo dự thảo Đề án, đối tượng thực hiện là tại các xã vùng DTTS&MN theo Quyết định số 861/QĐ-TTg; Thôn bản ĐBKK theo Quyết định 612/QĐ - UBDT các tổ chức chính trị - xã hội, học sinh của trường phổ thông tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung trung học của xã vùng DTTS&MN, trường dân tộc nội trú, bán trú; Chùa Khmer; Người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg (đối với ấn phẩm báo in) và toàn thể đồng bào (đối với App chuyên trang điện tử DTTS&MN).
Thời gian thực hiện đề án: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 đến ngày 31 tháng 12 năm 2025. Kinh phí thực hiện chính sách do ngân sách Nhà nước cấp trong kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia.
Dự kiến khoảng 130 tỷ đồng/năm (Báo in: 110 tỷ; App chuyên dụng dân DTTS&MN: 20 tỷ).