Để bảo đảm tính phù hợp, khả thi và hiệu quả của Luật, thì dự thảo luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và hoàn thiện quy định trên hai khía cạnh. Đó là phát triển đô thị, nông thôn bền vững về môi trường, xã hội; và tính tương thích của Luật trong hệ thống pháp luật và sự khớp nối với hệ thống quy hoạch.
Cần cụ thể hóa các yêu cầu phát triển xã hội bền vững
Ngày nay, yêu cầu đặt ra đối với quy hoạch đô thị tại các quốc gia là hướng đến phát triển bền vững. Điều đó có nghĩa quy hoạch không chỉ bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế mà còn phải bảo đảm bền vững cả về môi trường và xã hội.
Ở nước ta, yêu cầu này được cụ thể hóa trong các chủ trương của Đảng, gần đây nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể là:“Đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm…” và “Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị” (Mục II.1 về quan điểm chỉ đạo) cũng như “đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững…” (Mục III.2 về nhiệm vụ giải pháp).
Điều 6 và Điều 8, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã quy định về yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp. Theo đó, đã quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường trong khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; hạn chế sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, lấp sông, hồ khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn; sử dụng tiết kiệm hiệu quả đất nông nghiệp và đánh giá tác động môi trường của các quy hoạch.
Tuy nhiên, các khu vực cần bảo vệ cần được cụ thể hóa bằng những quy định về tiêu chí quy hoạch đô thị và nông thôn, đặc biệt phải bảo vệ được quỹ đất nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Các quy định này cũng cần thống nhất với quy hoạch sử dụng đất quốc gia (quy định tại Điều 14 dự thảo Luật về căn cứ lập quy hoạch đô thị và nông thôn). Đồng thời, cần có quy định về xây dựng phương án phát triển nông nghiệp và sử dụng đất nông nghiệp tích hợp trong quy hoạch đô thị và nông thôn.
Cần nhấn mạnh rằng, việc quy định về hạn chế tiêu thụ đất là thực sự cần thiết trong bối cảnh nước ta đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp trên đầu người thuộc hàng thấp nhất thế giới, chỉ đạt 0,25 ha (theo số liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR năm 2019) và là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Do đó, mô hình “đô thị nén” (compact city) mật độ cao, tích hợp đa chức năng, giao thông công cộng cần được xem xét đến trong yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn và quy định tại Điều 6, dự thảo Luật. Mô hình này cho phép hạn chế tiêu thụ đất đai, giảm di chuyển bằng xe cơ giới, hòa trộn các chức năng, thúc đẩy giao tiếp xã hội… Đây là những điểm mà các nước phát triển như Anh, Đức, Pháp đang hướng đến trong các quy hoạch đô thị.
Phát triển xã hội bền vững là một trong những trụ cột chính trong phát triển đô thị bền vững. Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm và phát triển bao trùm. Do đó, trong dự thảo Luật cần xem xét, bổ sung quy định về đánh giá tác động xã hội (Social impact assessment - SIA) của quy hoạch đô thị và nông thôn cũng như các biện pháp giảm thiểu, thích ứng hoặc bồi thường cho các tác động xã hội có hại của quy hoạch đối với người dân và cộng đồng. Tác động xã hội của quy hoạch đô thị bao gồm nhiều yếu tố như: chất lượng nhà ở, dịch vụ, môi trường sống, sức khỏe và an ninh, lối sống của người dân, điều kiện giao thông… Trong những thập kỷ gần đây, nhiều nước phát triển đã coi việc đánh giá tác động xã hội là một phần không thể thiếu trong quy hoạch đô thị.
Nghiên cứu hồ sơ dự án Luật cho thấy, Báo cáo đánh giá tác động về xã hội trong chính sách hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn cần được bổ sung, làm rõ tác động về xã hội theo tinh thần trên.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý lại Điều 6, cụ thể hóa các yêu cầu phát triển xã hội bền vững trong quy hoạch đô thị và nông thôn như: chất lượng nhà ở, dịch vụ, môi trường sống, sức khỏe và an ninh, lối sống của người dân, điều kiện giao thông...
Bảo đảm tính tương thích của Luật và sự khớp nối với hệ thống quy hoạch
Theo quy định tại Điều 5 của Luật Quy hoạch năm 2017, thì quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là một trong 5 loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và xếp cuối cùng trong thứ tự các loại quy hoạch. Theo mô hình “tích hợp”, Điều 6 Luật Quy hoạch 2017 quy định quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên và khi có mâu thuẫn thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cấp cao hơn. Điều này cũng được thể hiện tại điểm a khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: “Khi có sự mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch ngành thì thực hiện theo quy hoạch có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn;”. Như vậy, sẽ có ba vấn đề đặt ra cần được Ban soạn thảo quan tâm trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Thứ nhất, các quy hoạch cấp trên gồm nhiều loại quy hoạch khác nhau (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia…) theo các tiêu chí của các ngành, lĩnh vực khác nhau. Vậy liệu có nguy cơ gây nên sự chồng chéo ở cấp quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn không?
Thứ hai, các quy hoạch cấp trên liệu có vượt ra ngoài khung tiêu chí của quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn hay không? Liệu quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn có phải thực chất chỉ là một công cụ kỹ thuật để hiện thực hóa các quy hoạch cấp trên - với các tiêu chí kinh tế - xã hội, qua đó làm mất đi tính khoa học của quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn - với tiêu chí về đô thị và nông thôn (hạn chế/mở rộng đô thị, cảnh quan đô thị, chất lượng đô thị, mối quan hệ liên khu vực, khớp nối giữa các chức năng đô thị…? Và cách làm này thì khác gì so với trước khi có Luật Quy hoạch 2017 và chúng ta có thực sự làm quy hoạch về đô thị và nông thôn hay không?
Thứ ba, Luật Quy hoạch 2017 yêu cầu về tích hợp, vậy các quy hoạch ngành sẽ tích hợp thế nào vào quy hoạch đô thị và nông thôn để bảo đảm các tiêu chí bền vững về đô thị và nông thôn?
Những vấn đề trên cần được làm rõ trên mọi khía cạnh, nhất là tính khoa học và thống nhất. Đó cũng đồng thời bảo đảm đầy đủ cơ sở để đánh giá đúng đắn vai trò, tính tương thích của quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cũng như làm rõ tính tích hợp, khớp nối giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn với các quy hoạch ngành khác, từ đó thiết kế quy định trong Luật bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch.