Là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung; có số lượng lao động lớn nhất toàn quốc; điều tiết số thu về ngân sách Trung ương cao nhất với mức đóng góp hiện khoảng 27%; đồng thời là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới - có thể khẳng định, TP. Hồ Chí Minh hội đủ các điều kiện để thí điểm các chính sách mới, thực sự đột phá so với pháp luật hiện hành.
Việc ban hành một Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh ở thời điểm này được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như giới chuyên gia đánh giá là hết sức cần thiết với đầy đủ cơ sở từ chính trị, pháp lý đến đòi hỏi của thực tiễn.
Về cơ sở chính trị, cho đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết về phát triển TP. Hồ Chí Minh, mới nhất là Nghị quyết số 31 - NQ/TW ngày 30.12.2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 31) và 2 Nghị quyết, 1 Kết luận về phát triển vùng Đông Nam Bộ mà trung tâm chính là TP. Hồ Chí Minh, mới nhất là Nghị quyết số 24 - NQ/TW ngày 7.10.2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các nghị quyết, kết luận này đều khẳng định quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị về vai trò của TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tại Nghị quyết 31, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn Quốc hội “lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP. Hồ Chí Minh”.
Về cơ sở pháp lý, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh và gần đây nhất là Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định “xây dựng, phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị cua khu vực Đông Nam Á, châu Á”; “là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng; chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...”. Trước đó, tại Nghị quyết số 76/2022/QH15, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian sớm nhất.
Về cơ sở thực tiễn, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội cho thấy, việc thực hiện các chính sách đặc thù tại Nghị quyết này đã mang lại hiệu quả đối với sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, các chính sách đang thí điểm, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, “cơ bản mới chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù. Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá”. Nói cách khác, những chính sách thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, tuy đã có sự đột phá so mặt bằng chung, nhưng cũng chưa tương ứng với vai trò, vị thế đặc biệt của thành phố và càng chưa thể đáp ứng được yêu cầu, “sứ mệnh” mà Trung ương và Quốc hội đã đặt ra cho thành phố tại các Nghị quyết 31, Nghị quyết 24, Nghị quyết 81. Ở thời điểm hiện tại, sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19 và sự suy giảm kinh tế toàn cầu, những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh cũng đang bộc lộ ngày càng gay gắt đòi hỏi phải sớm có các cơ chế, chính sách đủ sức nặng, thực sự đột phá để thành phố vượt lên và tiếp tục phát triển.
Điểm sáng, nhưng có thể cũng là điểm gây băn khoăn với dự thảo Nghị quyết này là, phạm vi chính sách đề xuất khá rộng, rất dày dặn và khá toàn diện trên 7 lĩnh vực gồm: quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy của TP. Hồ Chí Minh và tổ chức, bộ máy TP. Thủ Đức; trong đó có một số chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, đến đời sống, xã hội và cả quan hệ đối ngoại.
Dù vậy, “điểm tựa” để các đại biểu Quốc hội yên tâm hơn khi xem xét dự thảo Nghị quyết quan trọng này là sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cơ quan trình và các cơ quan của Quốc hội. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết lên tới hơn 800 trang, được xây dựng, chắt lọc từ thực tiễn phát triển của thành phố, sự tâm huyết, trăn trở, quyết tâm chính trị của cả lãnh đạo Chính phủ và TP. Hồ Chí Minh cùng sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học. Trong suốt quá trình chuẩn bị, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Nghị quyết này đã đồng hành sát sao, tạo điều kiện tối đa về quy trình, tiến độ để trong thời gian sớm nhất có thể hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết bảo đảm yêu cầu về chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm này. Trong đó, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đảng đoàn Quốc hội đã 2 lần làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh để lắng nghe, cho ý kiến từ những phác thảo đầu tiên của “Đề án xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP. Hồ Chí Minh” và khi hồ sơ dự thảo Nghị quyết được hoàn thiện, chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đặc biệt là Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23 đã nêu rõ những vấn đề cần giải trình rõ hơn, rà soát kỹ lưỡng hơn. Tại Kỳ họp này, chương trình làm việc của Quốc hội cũng đã được bố trí thành hai đợt để các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội có đủ thời gian tổng hợp đầy đủ, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo từng ý kiến, băn khoăn của đại biểu Quốc hội, để dự thảo Nghị quyết cuối cùng trình Quốc hội xem xét, thông qua phải là phiên bản tốt nhất, khả thi nhất, đủ sức tạo động lực bứt phá nhanh, bền vững cho thành phố mang tên Bác.
Nếu Nghị quyết được thông qua ngay tại Kỳ họp này, như chia sẻ của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, sẽ giúp thành phố “không lỡ mất thời cơ, không lỡ mất cơ hội cho sự phát triển”. Cả nước vì TP. Hồ Chí Minh, và về phần mình, TP. Hồ Chí Minh sẽ phải nỗ lực hết sức mình, quyết liệt hành động với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công các chính sách thí điểm, từ đó sẽ “chưng cất” thành các chính sách chung, dẫn dắt và tạo động lực cho sự phát triển của các địa phương khác.