Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, ĐBQH Tạ Đình Thi cho biết, có 2/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt, cụ thể là về tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Theo đại biểu, thực tế 2 chỉ tiêu này nhiều năm qua cũng chưa đạt, giống như căn bệnh kinh niên; trong khi đó, các giải pháp đưa ra chưa đủ rõ, chưa đủ mạnh mẽ để tạo chuyển biến.
Đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, độ mở lớn hiện nay, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng: Quốc hội, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp căn cơ liên quan khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ trong nước. Nếu làm được, sẽ bảo đảm an ninh kinh tế vì hiện nay, chúng ta đang phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ nước ngoài trên nhiều lĩnh vực.
Dẫn chứng trong lĩnh vực năng lượng, tỷ lệ nội địa hóa đang rất thấp, cụ thể như tại các dự án thủy điện, hiện nay chúng ta mới chủ động được khoảng 30%, với nhiệt điện là 25%, điện khí 7%, với lĩnh vực điện gió tỷ lệ phụ thuộc là 100%. Đứng về lý thuyết quản trị quốc gia, khi bên ngoài khó khăn, bên trong nội lực phải khơi thông, nhưng chúng ta chưa khơi thông được khiến kinh tế vẫn còn gặp khó.
Hay như lĩnh vực du lịch, thời điểm dịch Covid-19, Việt Nam cũng là nước mở cửa sớm do kiểm soát dịch bệnh tốt. Nhưng so với những năm trước và so với các nước khác trong khu vực, nguồn thu từ du lịch đang thấp hơn bình thường. Hay như một số lĩnh vực dịch vụ khác, cụ thể là dịch vụ karaoke đang không hoạt động...
Đồng tình với các quan điểm này, một số ĐBQH cho rằng, kết quả đạt được về kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, động lực tăng trưởng phải từ trong nước, đi cùng chi tiêu ngân sách, đầu tư công. Tuy nhiên hiện nay, tỷ trọng, tỷ lệ chi tiêu ngân sách, đầu tư công chưa được 16% là chưa đạt.
"Tháo gỡ vướng mắc nói trên phải xuất phát từ cơ chế. Nếu không có tháo gỡ và tháo gỡ tận cùng sẽ rất khó cho phát triển trong giai đoạn hiện tại và cả giai đoạn sau này", ĐBQH Phạm Đức Ấn nêu rõ.
Khắc phục tình trạng rút BHXH một lần
ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng, thực tế thời gian qua tỉ lệ thất nghiệp, rút bảo hiểm xã hội một lần cao hơn so với báo cáo. Tỷ lệ thất nghiệp tăng dẫn đến nhiều lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Hiện tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm trên 40 tuổi ở khu công nghiệp có nguy cơ lớn khi doanh nghiệp cần giãn việc, sa thải lao động thì đây là nhóm dễ bị tác động nhất. Trong khi đó, nhóm này khi tìm việc lại rất khó vì doanh nghiệp chỉ ưu tiên cho giới trẻ. "Đây là vấn đề sẽ phát sinh nhiều vấn đề xã hội lớn nhưng báo cáo của Chính phủ chưa chú trọng nhóm đối tượng này", ĐQBH Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ĐBQH Trương Xuân Cừ đề nghị, Chính phủ nên nghiên cứu có gói hỗ trợ người lao động. Trong giải pháp số 7 về hỗ trợ an sinh xã hội, cần định lượng cụ thể xem sẽ hỗ người lao động như thế nào bởi có những mặt hàng xuất khẩu giảm 95%, làm sao người lao động có việc làm thường xuyên.
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá cao các giải pháp Chính phủ ban hành từ đầu năm nay, nhất là các nghị quyết liên quan đến lãi suất ngân hàng, bất động sản. Theo đại biểu, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% là điều rất cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp phục hồi, phát triển, tuy nhiên, chính sách này nên có độ mở về thời gian, có thể kéo dài hơn, tùy theo tình hình mà Chính phủ đề xuất, tránh ngắt quãng, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách.
Theo đại biểu, Đảng, Nhà nước có nhiều lần, nhiều đợt quan tâm chăm lo phát triển văn hóa như những đợt sóng nhưng sau mỗi đợt sóng ấy, văn hóa lại rơi vào vấn đề riêng. Hiện để phát triển văn hóa cần khắc phục các điểm nghẽn về nhân lực, cơ sở vật chất... Vì vậy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật dành cho văn hoá như thể chế, đất đai, tài sản công, đối tác TPP.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, năm 2023, để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, phải có sự tập trung, có giải pháp cả cấp bách và lâu dài. Đồng thời, cần xử lý những “điểm nghẽn” đối với nền kinh tế, như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là một số dự án trọng điểm, các công trình quan trọng quốc gia; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và giảm mặt bằng lãi suất cho vay.