ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên): Bổ sung hành vi “cấm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để trục lợi”
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng(sửa đổi) có phạm vi tác động rất rộng, thu hút sự quan tâm của rất nhiều thành phần trong xã hội. Thứ nhất, tại dự thảo Luật, trong phạm vi điều chỉnh đã bỏ đối tượng tổ chức ra khỏi khái niệm người tiêu dùng, theo tôi điều này là chưa phù hợp. Bởi vì, bản thân tổ chức cũng là là một đơn vị khách hàng sử dụng hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy, phạm vi điều chỉnh nên giữ lại như luật hiện hành, bao gồm cả tổ chức và cá nhân.
Thứ hai, trong khái niệm về sản xuất hàng hóa mới chỉ nêu về đơn vị kinh doanh hàng hóa, còn đơn vị sản xuất hàng hóa cũng cần phải được làm rõ hơn.
Thứ ba, liên quan đến người tiêu dùng, những nhóm đối tượng bị tổn thương được quy định là người nghèo, người dân tộc thiểu số, những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tôi hết sức băn khoăn về việc đưa đối tượng người dân tộc thiểu số là một đối tượng phải điều chỉnh, xem xét ưu tiên.
Phải chăng nên quy định theo những vùng khó khăn, nơi mà người tiêu dùng ít được tiếp cận thông tin, ít điều kiện để bảo vệ quyền lợi của mình thì người dân tộc thiểu số sinh sống tại đây mới thực sự là đối tượng cần bảo vệ. Còn những người dân tộc thiểu số sinh sống ở đồng bằng, ở đô thị có hiểu biết nhiều hơn lại không thực sự cần điều này.
Thứ tư, tính công khai, minh bạch và đầy đủ của các thông tin của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong quảng cáo đến với người tiêu dùng cần phải được quy định rõ ràng, chặt chẽ. Đặc biệt, phải có những chế tài xử lý liên quan đến vấn đề này. Thời gian vừa qua trên phương tiện thông tin báo chí, truyền hình có rất nhiều thông tin quảng cáo sai lệch, không đúng sự thật của những hàng hóa, dịch vụ cung cấp tới người tiêu dùng. Cần phải có chế tài mạnh mẽ để xử lý vấn đề này, kể cả những người cung cấp thông tin cũng như những người đăng tải thông tin, kể cả cơ quan truyền thông.
Thứ năm, trong thực tiễn có rất nhiều người tiêu dùng bị thiệt hại do thiếu thông tin, do thiếu hiểu biết hoặc là do thủ thuật của một cơ quan, tổ chức kinh doanh bán hàng. Do vậy, theo tôi, nên có một điều khoản quy định nghiêm cấm các hành vi lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để trục lợi. Đây có thể sẽ là cơ sở để triển khai những nội dung khác liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh): Bổ sung vai trò, trách nhiệm của Nhà nước
Quá trình để người tiêu dùng có thể thực hiện được quyền của mình, quyền được khiếu nại trong những trường hợp mà các sản phẩm, dịch vụ không đúng như cam kết vẫn còn rất phức tạp. Đồng thời, trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (sửa đổi) cũng chưa làm rõ được vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
Cùng với đó, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (sửa đổi) đề cập nhiều đến trách nhiệm của bản thân người dân, trách nhiệm của doanh nghiệp, nhưng đề cập rất sơ sài về vai trò của chủ thể Nhà nước. Phải khẳng định rằng, khi người dân sử dụng dịch vụ, sản phẩm của một doanh nghiệp đã được cấp phép của Nhà nước thì phải được bảo hộ bởi Nhà nước, đây không đơn thuần chỉ là hoạt động mua bán tự do.
Ví dụ như, trước đây đã có những trường hợp phát hiện ra người dân sử dụng phải thuốc giả. Mặc dù đã xử lý thích đáng những doanh nghiệp vi phạm cũng như những cán bộ nhà nước tiếp tay cho các doanh nghiệp này. Nhưng lại chưa có sự bồi thưởng, đền bù thỏa đáng cho người dân sử dụng phải thuốc giả, trong khi những loại thuốc này được cấp phép một cách hợp pháp mà không phải nhập lậu hay mua bán lén lút. Vì vậy, cần phải có sự bổ sung trong dự thảo Luật để thấy được vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Tránh tình trạng sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được thẩm định, cấp phép mà khi xảy ra vấn đề lại không được Nhà nước bảo hộ giống như việc sử dụng hàng hóa nhập lậu, bất hợp pháp. Đây cũng là một cách gián tiếp để người dân, doanh nghiệp sống và làm việc theo pháp luật.
Đồng thời, người nổi tiếng hay bất kỳ ai khi thực hiện quảng cáo một sản phẩm, dịch vụ, trước hết phải tôn trọng pháp luật và tôn trọng chính bản thân mình, phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm đó, có đảm bảo về chất lượng hay không? Có được cấp phép hay không? Tránh tình trạng giống như “mãi võ Sơn Đông” hay nói quá tác dụng của những sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo gây nhầm lẫn, hiểu không đúng đối với người tiêu dùng.
Tình trạng một số những quảng cáo của những người nổi tiếng không đúng, sai sự thật nở rộ trong thời gian vừa qua cho thấy sự thiếu ý thức, thiếu tôn trọng pháp luật. Do vậy, ngoài việc kêu gọi lương tâm của những người nổi tiếng, những người thực hiện quảng cáo sản phẩm, dịch vụ không nên để xảy ra việc “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, cũng cần phải có chế tài bổ sung vào luật để xử lý những trường hợp này.