Theo đại biểu Lý Thị Lan, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đồng hành vào cuộc của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội đã phục hồi tích cực, kết quả đạt được khá toàn diện; kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách vượt so với dự toán. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tập trung chỉ đạo bước đầu thực hiện hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ đã mạnh dạn phân cấp cho các địa phương từ đó tập trung tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, xử lý các tồn đọng kéo dài nhiều năm, ứng phó kịp thời với những biến động của thế giới, khu vực.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra; việc phân bổ triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm, các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành còn chưa rõ, các địa phương còn lúng túng trong phân cấp định mức, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đề xuất các giải pháp để phát triển bền vững, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng: Chính phủ cần quyết liệt triển khai, tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, tiếp tục thận trọng, linh hoạt kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ nhất là các biện pháp để kiểm soát và kiềm chế lạm phát.
Xoay quanh 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Lan cho hay: Công tác triển khai, giao vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 muộn đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giải ngân ở hầu hết các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi. Trong điều kiện khó khăn và nhu cầu lớn về nguồn vốn đầu tư phát triển, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia sang năm 2023. Đồng thời, đề nghị không giảm số vốn năm 2023 của 3 chương trình này để bảo đảm đúng tiến độ mục tiêu đề ra giai đoạn 2022 - 2025.
Có thể thấy, những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, từng bước cải thiện đời sống cho bà con. Song trên thực tế, để phát triển kinh tế - xã hội nơi đây còn muôn vàn khó khăn, thách thức do nhiều yếu tố từ địa hình đến thiên tai, lũ lụt… Do đó, cử tri, đồng bào các dân tộc miền núi mong muốn Chính phủ quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp hệ thống các tuyến đường quốc lộ các tỉnh miền núi phía Bắc. Các tuyến đường quốc lộ có tính chất kết nối các tỉnh, các tuyến cao tốc đã được xác định ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030. Đơn cử như: Quốc lộ 4, 4C, 279, quốc lộ 34. Các tuyến đường này được đầu tư xây dựng đã lâu, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp. Nhiều đoạn đường thường xuyên bị sạt lở, gây ách tắc giao thông về mùa mưa lũ; thường xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vì vậy, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm sửa chữa, nâng cấp hệ thống quốc lộ của các tỉnh miền núi phía bắc từ cấp 5, 6 lên cấp 3, 4 miền núi.
Liên quan đến các công trình điện nông thôn cho vùng sâu, vùng xa, đại biểu Lý Thị Lan cho biết: Hiện, nhiều thôn bản biên giới vẫn chưa có điện. Để đạt được mục tiêu 100% số thôn bản được sử dụng điện rất cần nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Quy định số 41/2017 nhằm khắc phục bất cập về trình tự, thủ tục điều chuyển công trình cấp điện được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nhước đã hoàn thành cho ngành điện quản lý.
Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế tất yếu phải hướng tới. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ phủ sóng viễn thông và cáp quang internet vùng sâu, vùng xa còn rất thấp. Đây cũng là rào cản làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế nhận thức của người dân nơi đây. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các tập đoàn doanh nghiệp viễn thông như, Viettel, VNPT thực hiện theo chương trình viễn thông công ích để hỗ trợ các tỉnh miền núi, biên giới phát triển hạ tầng viễn thông ở những thôn đặc biệt khó khăn để không còn vùng trũng của viễn thông.
Là địa phương có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, với mục tiêu đề án của Chính phủ xây dựng đường tuần tra biên giới, Hà Giang nhận thức rằng đây không chỉ là công trình bảo đảm cho công tác tuần tra, kiểm soát chủ quyền an ninh biên giới mà còn kết hợp phục vụ dân sinh cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới trong tình hình hiện nay là thực sự cấp bách và cần thiết. Vì vậy, cử tri Hà Giang đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm sử dụng nguồn vượt thu ưu tiên đầu tư cho các công trình đường tuần tra biên giới với quy mô phục vụ cả phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh biên giới.