Cần có chương riêng về tập đoàn tài chính
Thực tế hiện nay, Tập đoàn tài chính là mô hình hiện hữu, là xu hướng phát triển của các công ty lớn, công ty đa năng, có tính dẫn dắt trên thị trường tài chính với những hoạt động đan xen, đa ngành và bán chéo sản phẩm, có cơ cấu tổ chức phức tạp, đa dạng và nhiều tầng nấc; có thể xếp thành 3 loại mô hình Tập đoàn tài chính như sau:
Mô hình ngân hàng đa năng: đây là loại Tập đoàn tài chính lớn, thực hiện tất cả các hoạt động, nghiệp vụ kinh doanh của cả ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư, có thể tham gia sở hữu cổ phần trong các tập đoàn công nghiệp;
Mô hình công ty mẹ-con vận hành: đây là loại Tập đoàn tài chính do một định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm đứng đầu với vai trò là công ty mẹ; cơ cấu tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con đơn thuần;
Mô hình công ty sở hữu tài chính: đây là dạng Tập đoàn tài chính có công ty đứng đầu là công ty sở hữu tài chính hoặc công ty không hoạt động trong lĩnh vực tài chính; các hoạt động kinh doanh chuyên ngành ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm được công ty mẹ “thực hiện” thông qua các công ty con của tập đoàn.
Tại Việt Nam, các nhóm công ty hình thành và hoạt động trên thị trường tài chính theo mô hình công ty mẹ - con, có công ty mẹ là ngân hàng thương mại, hoặc là công ty sở hữu tài chính, hoặc công ty không hoạt động trong lĩnh vực tài chính; loại này ngày càng nhiều và đa dạng, có thể thấy: Tập đoàn tài chính có công ty mẹ là ngân hàng thương mại như: Agribank, VCB, Vietinbank, BIDV, Techcombank, MB; Tập đoàn tài chính có công ty mẹ là công ty sở hữu tài chính như: Tập đoàn Bảo Việt; Tập đoàn tài chính có công ty mẹ không hoạt động trong lĩnh vực tài chính như: Nhóm CTCP Sovico, nhóm CTCP Uniben, nhóm CTCP tập đoàn T&T, nhóm CTCP tập đoàn Sunshine…
Việt Nam chúng ta hầu như chưa có quy định pháp luật đối với các Tập đoàn tài chính mà Tập đoàn tài chính vẫn hoạt động chung nhất theo Luật Doanh nghiệp. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính các tập đoàn đó, cho cả thị trường tài chính và nền kinh tế bởi mức độ nhạy cảm và tác động lớn, cũng như mức độ lan truyền rủi ro của các định chế tài chính trong Tập đoàn tài chính.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các quốc gia đều có các quy định về công nhận và hoạt động của Tập đoàn tài chính trong các luật chuyên ngành về ngân hàng thương mại, chứng khoán hoặc bảo hiểm; một số ít, khoảng khoảng 11 quốc gia/vùng lãnh thổ có luật về Tập đoàn tài chính.
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiệm vụ và giải pháp là “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xác định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc thanh tra, giám sát các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng; đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng khuôn khổ pháp lý về tập đoàn tài chính”.
Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo bổ sung Tập đoàn tài chính vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và thiết kế một chương riêng quy định về Tập đoàn tài chính trong dự thảo Luật này, có thể gồm 2 mục:
Một là, các quy định chung, cơ bản để quản lý và giám sát Tập đoàn tài chính. Trước hết, quy định Tập đoàn tài chính phải được cấp có thẩm quyền công nhận khi hội tụ đủ các điều kiện như: do một/một nhóm công ty kiểm soát chung và có mối quan hệ sở hữu; hoạt động tối thiểu 2/3 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; tổng tài sản lớn. Các điều kiện này được duy trì liên tục và toàn thời gian, khi không đáp ứng đủ thì sẽ đưa ra khỏi danh sách Tập đoàn tài chính. Thứ hai là, các quy định về hoạt động của Tập đoàn tài chính, cổ đông, công ty mẹ, công ty con. Thứ ba là, các quy định về tỷ lệ sở hữu vốn, giới hạn về hoạt động tài chính nội bộ tập đoàn, cổ đông, các công ty con, giữa các công ty con, các hoạt động bị cấm. Thứ tư là, các quy định phải chấp hành luật chuyên ngành và các quy định về quản trị Tập đoàn tài chính.
Hai là, các quy định cụ thể đối với Tập đoàn tài chính theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó có công ty mẹ là tổ chức tín dụng, để quản lý và giám sát hoạt động nhóm công ty mẹ - con này, có như vậy mới điều chỉnh được đến các công ty con, trong đó có công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán. Mặt khác, việc tổ chức tín dụng là công ty con trong Tập đoàn tài chính thì việc quản lý và giám sát hoạt động nội bộ Tập đoàn tài chính cần có những hạn chế và minh bạch hơn để đảm bảo an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng, nhất là hoạt động cấp tín dụng trong bối cảnh bị chi phối bởi công ty mẹ, có thể phải cấm công ty mẹ hoạt động đầu tư phi tài chính.
Các quy định để quản lý và giám sát hoạt động cụ thể của Tập đoàn tài chính này theo hướng: Quy định về an toàn vốn; Quy định về tín dụng tập trung; Quy định về giao dịch nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, giữa công ty con với công ty mẹ và giữa các công ty con với nhau; Quy định về quản trị điều hành. Những nội dung này để đảm bảo an toàn hoạt động và giám sát các rủi ro lan truyền trong nội bộ của Tập đoàn tài chính.
Tóm lại, Tập đoàn tài chính dù ở mô hình nào đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và phải được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ vì yếu tố ảnh hưởng của nó đến kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính (vốn rất lớn, hoạt động đa dạng, phức tạp, phạm vi rộng), như sự kiện ngân hàng SCB vừa qua là một Tập đoàn tài chính mà chúng ta đang không quản lý và giám sát đúng mức.
Mọi cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng phải công bố thông tin
Tình trạng sở hữu chéo đến nay đã được xử lý cơ bản hiệu quả. Tuy nhiên, các loại hình sở hữu phức tạp khác lại xuất hiện. Đó là sự tham gia của các chủ đầu tư bất động sản hoặc các doanh nghiệp có liên quan đến cổ đông của các ngân hàng thương mại đã tác động đến hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại này khi nhu cầu sử dụng vốn cao.
Điểm chung là những doanh nghiệp này thường dùng các pháp nhân con khác nhau, trong hệ sinh thái để thâu tóm cổ phần của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các nhân sự cấp cao của tập đoàn này gom cổ phần của tổ chức tín dụng, với mục đích là tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng. Đây là hiện tượng dòng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng sang hệ thống công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để chuyển sang các doanh nghiệp có liên quan đến cổ đông của tổ chức tín dụng, các lĩnh vực, dự án tiềm ẩn rủi ro dưới nhiều hình thức.
Do vậy, nếu dự án luật chỉ quy định giảm thấp tỷ lệ sở hữu thì chưa đủ và chưa hiệu quả. Để hạn chế việc sở hữu, đề nghị Luật phải quy định minh bạch thông tin của tất cả những cá nhân, tổ chức sở hữu là cổ đông của ngân hàng thương mại như các nước trên thế giới đang làm.
Một vấn đề nữa liên quan đến sở hữu cổ phần là đối với cá nhân là cổ đông của tổ chức tín dụng và cá nhân đó là chủ sở hữu của Công ty TNHH MTV đang được quy định là người có liên quan chứ không phải là một người. Trên thực tế đây chỉ là một người duy nhất dù đứng ở góc độ cá nhân hay tổ chức.
Mặt khác, Luật Chứng khoán 2019 quy định về cổ đông lớn phải công bố thông tin, trong khi đó chúng ta đang giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông tổ chức tín dụng, vô hình chung đã mặc nhiên đối tượng này không phải công bố thông tin, trong khi chúng ta lại muốn ngược lại để biết được chủ thực sự của các tổ chức tín dụng là ai.
Do vậy, tôi đề nghị luật phải quy định tất cả các cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng phải công bố thông tin. Có như vậy mới hạn chế được việc lợi dụng “cổ đông chi phối” để tạo các lợi thế cho “hệ sinh thái” của các ông chủ thực sự của tổ chức tín dụng.