Hội thảo nhằm phát triển môi trường hợp tác giữa các trường đào tạo giáo viên trong và ngoài nước; Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và trong nước, thảo luận, đề xuất khung năng lực cốt lõi của người giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa; đề xuất đổi mới chương trình đào tạo và bồi dưỡng giảng viên sư phạm giúp hình thành và phát triển năng lực mới cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phương thức tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cho biết: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, thách thức rất nhiều nhưng lớn nhất là thay đổi chính bản thân. Đặc biệt, đối với giáo viên và giảng viên sư phạm, thay đổi ở đây là các thói quen, phong cách giảng dạy. Điều này có thể học tập từ đồng nghiệp quốc tế trên nền tảng tư duy sáng tạo và trách nhiệm. Đối với các nhà quản lý là sự thay đổi phương pháp quản trị mới, tự chủ và dân chủ, tầm nhìn và tư duy lãnh đạo…
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo |
Các đại biểu đã tập trung trao đổi 5 nội dung chính, gồm: Năng lực giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và năng lực giảng viên sư phạm trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực; phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa; bồi dưỡng giảng viên sư phạm cốt cán và phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa; mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa; đổi mới quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa.
GS Yvonne Pratt-Johnson, Trường Đại học St. John’s (Mỹ) đề cập đến tính đa dạng hóa, đa văn hóa, đa ngôn ngữ trong trường học. Theo ông, nội dung bồi dưỡng giáo viên cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Việc nâng cao năng lực cho giáo viên là một hành trình liên tục, không giới hạn không gian, thời gian cho đến sự hoàn hảo đáp ứng yêu cầu về năng lực của người giáo viên thế kỷ XXI.
GS Chokchai Yuenyong, Đại học Khon Kaen (Thái Lan) nhấn mạnh đến các kỹ năng cần thiết của giáo viên trong thế kỷ XXI, trong đó năng lực dạy học theo định hướng giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) và tư duy phản biện là rất quan trọng. Các kiến thức và kỹ năng liên quan đến STEM phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày.
GS Nguyễn Văn Khải, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đề cập đến phương pháp dạy học nghiên cứu khoa học với 5 giai đoạn gồm định hướng và xác định câu hỏi nghiên cứu; xây dựng giả thuyết; lập kế hoạch và nghiên cứu; thực nghiệm và phân tích; kết luận và đánh giá.
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên thuộc ngành sư phạm trong và ngoài nước cùng kết nối, học tập về phát triển chương trình, mô hình giảng dạy và quản lý, tạo sự hợp tác bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.