Thể hiện tinh thầnlà dự án luật đặc biệt quan trọng
Trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 26 ngày 20.9.2023, ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Các đại biểu cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, với tinh thần cầu thị cao, trong đó, sau Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra và chính quyền TP. Hà Nội nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ và các ý kiến chuyên gia góp ý. Đến nay, hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu tới đây.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, việc xây dựng dự án Luật không phải "làm cho một thành phố mà cho cả đất nước", bởi Thủ đô là "trái tim" của cả nước. Dự thảo Luật sau khi hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện đúng tinh thần, đây là dự án luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa sâu sắc. Việc sửa đổi Luật cơ bản đã bám sát cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn về xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra theo các nghị quyết của Đảng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, các vấn đề đưa ra trong dự thảo Luật góp phần giải quyết được những bức xúc, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra đối với Thủ đô thời gian qua, góp phần xây dựng phát triển Thủ đô ngày càng tốt hơn.
Làm rõcơ sở pháp lý của việc thiết lập cơ chế Vùng Thủ đô
Hồ sơ dự án Luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 26 đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng để hoàn thiện trình Quốc hội. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển Thủ đô là cốt lõi của dự án Luật lần này với nhiều nội dung mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Do đó, cần làm rõ sự cần thiết phải có các cơ chế, chính sách đặc thù đó.
“Các nội dung được luật hóa trên cơ sở thực hiện thí điểm chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù đã quy định áp dụng thí điểm đối với một số địa phương cũng phải xem xét đã bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp, tính khả thi và tác động đến mặt bằng phát triển chung của cả nước hay chưa? Bên cạnh đó, các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô gắn với cơ chế phân quyền cho chính quyền Thủ đô, cơ chế kiểm soát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của chính quyền Thủ đô khi được phân quyền mạnh mẽ cũng cần được làm rõ”, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề.
Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm, thể hiện cụ thể hơn trong dự thảo Luật các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù, đặc biệt, vượt trội cho thấy sự phân quyền mạnh mẽ, giao trách nhiệm lớn cho chính quyền Thủ đô để bảo đảm tính khả thi. Những quy định chưa rõ về phạm vi, lĩnh vực phân quyền cần tiếp tục nghiên cứu rà soát bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.
Về liên kết vùng Thủ đô, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn với quy định xác định Vùng Thủ đô trong dự luật, bởi đang có sự đan xen, chồng lấn với phạm vi của một số vùng phát triển kinh tế - xã hội hiện có. Một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, thay vì thiết lập cơ chế Vùng Thủ đô, dự thảo Luật nên quy định mối quan hệ liên kết giữa Thủ đô với chính quyền địa phương ở các tỉnh giáp ranh với TP. Hà Nội. Đây là cơ sở để xây dựng cơ chế phối hợp, giải quyết các nội dung liên quan đến nhiều địa phương, như vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, xây dựng chuỗi đô thị thông minh… để hỗ trợ, tạo động lực phát triển.
Quy định về Vùng Thủ đô thực chất là liên kết vùng tương tự như nhiều vùng đang triển khai trong cả nước. Nêu quan điểm này, ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề nghị, trong dự thảo Luật cần làm rõ cơ sở pháp lý của việc thiết lập cơ chế Vùng Thủ đô và sự cần thiết quy định cơ chế này trong Luật cũng như chức năng, nhiệm vụ và cơ sở của việc quy định Hội đồng điều phối vùng Thủ đô và hiệu quả tác động như thế nào?
Luật Thủ đô là đạo luật hết sức đặc biệt và quan trọng, nhưng không thay thế cho cả hệ thống pháp luật mà chỉ áp dụng cho Thủ đô những cơ chế, chính sách đặc thù khác với các quy định của Luật để đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý, phát triển, bảo vệ Thủ đô xứng tầm với vị thế, vai trò là trung tâm đầu não chính trị, hành chính, trung tâm lớn về kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa của cả nước. Lưu ý vấn đề nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật có liên quan đến các dự thảo luật khác đang được sửa đổi, bổ sung, tránh trùng lặp và không quy định lại những nội dung đã quy định trong luật khác.