Sáng 15.11, tại Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP. Hồ Chí Minh) Báo Tiền phong phối hợp cùng một số đơn vị liên quan đã tổ chức ra mắt chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học".
Đại diện ban tổ chức cho biết trước thực trạng giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh gặp nhiều vấn đề về tâm lý như overthinking, áp lực trong học tập, bạo lực học đường, bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội, xâm hại tình dục,... Báo Tiền phong tổ chức chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học".
Trong năm học 2023 - 2024, chương trình dự kiến sẽ đưa các chuyên gia tâm lý đến 20 trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong các vấn đề về tâm lý học đường.
Tại mỗi trường học, chương trình sẽ tổ chức các chuyên đề như: ứng xử văn minh trên mạng xã hội; Cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường; Kỹ năng phòng chống xâm hại; Giảm stress trong học tập; Chọn ngành chọn nghề… Thông qua đó, giúp các em học sinh có thêm kỹ năng để vượt qua tâm lý học đường, tự tin để giải quyết các vấn đề của mình và tập trung học tập một cách hiệu quả.
Chia sẻ với các em học sinh Trường THPT Marie Curie, thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (TP. Hồ Chí Minh), cho hay: Thực tế hiện nay vẫn có tình trạng học sinh chưa tự tin giãi bày tâm lý với các thầy cô của mình hoặc tìm đến phòng tư vấn tâm lý học đường.
Ở độ tuổi này, các em sẽ có nhiều câu hỏi “tại sao?”, với những lý do như: tại sao mình nhắn tin mà bạn không trả lời? Tại sao ba mẹ la mình? Tại sao mình bị điểm thấp?... Các em có nhiều băn khoăn nhưng không dám chia sẻ vì sợ thông tin mình chia sẻ sẽ có nhiều người biết đến, nỗi lòng của mình sẽ không được đồng cảm.
Theo thạc sĩ Hồng Anh khi gặp vấn đề, các em không tìm người hỗ trợ, chia sẻ mà có xu hướng tự mình giải quyết. Đây là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực hay các vấn đề trầm trọng hơn. Do đó, để công tác tư vấn tâm lý học đường đến gần hơn với học sinh, sự phối hợp giữa Ban giám hiệu nhà trường với các thầy cô tư vấn tâm lý rất cần thiết. Cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng và sự vào cuộc, đồng hành của nhiều cơ quan liên quan, tăng cường chính sách hỗ trợ cho chính sách tư vấn tâm lý thì việc tư vấn tâm lý học đường mới thực sự hiệu qủa.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Anh Thắng đánh giá cao về chương trình này.
Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Anh Thắng nhận định, đây là một chương trình rất mới. Hiện nay, vấn đề trẻ em, học đường đang được xã hội rất quan tâm, đây cũng là chủ đề dễ gây phản ứng trái chiều trên cả không gian mạng cả trong đời thực. Vì vậy, cần truyền thông thật tốt để định hình tâm lý cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em học đường.
"Hiện cả nước gần 100 triệu dân, có gần 27 triệu trẻ em, trong đó, có nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt. Chính vì thế, tôi mong muốn bên cạnh chăm lo tâm lý học đường cũng cần quan tâm hơn chuyên sâu đến tâm lý trẻ em yếu thế, khuyết tật. Đối với trường học phải phòng chống bạo lực học đường, xâm hại, chú trọng việc ưu tiên trong việc phòng chống. Đồng thời phải phòng chống tai nạn thương tích” Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Anh Thắng chia sẻ.