ĐBQH Hà Thọ Bình đồng thuận với nhiều ý kiến của các đại biểu về lựa chọn phương án 1, giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình. Lý giải điều này, đại biểu cho rằng, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia nhằm bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân và nền kinh tế quốc dân như: Hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh...
Bên cạnh đó, đại biểu cũng khẳng định việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo Phương án 1 như trong dự thảo Luật là phù hợp, góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30.8.2022 của Bộ Chính trị: “Phòng thủ dân sự phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân đề phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; thực hiện tốt phương châm bồn tại chỗ kết hợp với chỉ viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế”.
Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng kịp thời, mà yêu cầu tài lực khi có sự cố, thảm họa xảy ra là rất lớn và cấp thiết để có thể hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của sự cố, thảm họa… “Nếu có Quỹ Phòng thủ dân sự, sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra. Như thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 ở nước ta, nếu có Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ có ngay nguồn lực mà không phải thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19”, đại biểu Hà Thọ Bình nêu dẫn chứng.
Đối với quân đội, Quỹ Phòng thủ dân sự cũng được coi như là lực lượng dự bị, nguồn dự phòng để sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong tình hình hiện nay và trong tương lai.
Nếu thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo phương án 2, khi xảy ra sự cố, thảm họa thì không có ngay nguồn lực mà phải chờ thời gian huy động. Như vậy việc ứng phó, khắc phục hậu quả đối với sự cố, thảm họa xảy ra không kịp thời, hiệu quả không cao. Mặt khác, nếu thành lập theo phương án này, trường hợp sử dụng nguồn lực của quỹ không hết sẽ phải quản lý nguồn dư thừa còn lại và sử dụng như thế nào? Đại biểu đặt câu hỏi.
Từ những lý do đó, ĐBQH Hà Thọ Bình khẳng định: Việc quy định Quỹ Phòng thủ dân sự như phương án 1 tại Điều 41 dự thảo Luật là phù hợp, bảo đảm linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.