Tạo động lực phát triển và môi trường đầu tư trong lĩnh vực dược
Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược (Điều 7 và Điều 8 sửa đổi), tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi toàn diện Điều 7 của Luật hiện hành để quy định các chính sách chung của Nhà nước về dược; quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược tại Điều 8 (sửa đổi); còn quy định liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xem xét khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng với đó, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm triển khai thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Điều 7 dự thảo Luật bổ sung quy định “có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành ngành công nghiệp mũi nhọn” (khoản 3); quy định chính sách ưu tiên mua sắm thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập (khoản 4); ưu tiên về các thủ tục hành chính khi cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu (khoản 5); áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ (khoản 6); hỗ trợ phát triển dược liệu, phát huy các bài thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu (các khoản 7, 8 và 9); phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại (khoản 10); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (khoản 12); giữ giá, giảm giá đối với một số nhóm thuốc cần thu hút chuyển giao công nghệ (khoản 13).
Điều 8 dự thảo Luật quy định chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển công nghiệp dược trong nước. Do còn ý kiến khác nhau về nội dung này, để thận trọng, bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án quy định tại khoản 1 như sau:
Phương án 1 quy định cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Phương án 2 không quy định quy mô cụ thể mà dẫn chiếu áp dụng theo Luật Đầu tư, có nghĩa là chỉ được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới có vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (gấp 10 lần quy mô vốn so với phương án 1).
Tán thành với phương án 1, ĐBQH Lê Văn Cường (Thanh Hóa) cho rằng, điều kiện dự thảo Luật đưa ra để dự án mới thành lập trong lĩnh vực dược được áp dụng ưu đãi là hoàn toàn phù hợp và có tính khả thi cao xét trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình phát triển ngành dược trong giai đoạn hiện nay. "Quy định này cũng bảo đảm sự cân bằng, tạo động lực phát triển và môi trường đầu tư trong mối liên quan ngành dược với các ngành nghề xã hội khác. Không nên hạ thấp quy mô vốn đầu tư của dự án được áp dụng ưu đãi vì sẽ phá vỡ cấu trúc chung đối với chính sách ưu đãi các ngành, lĩnh vực khác", đại biểu nhấn mạnh.
Về cơ sở pháp lý, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, phương án 1 của dự thảo Luật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, không gây ra mâu thuẫn, xung đột pháp lý giữa Luật Đầu tư và Luật Dược. Khoản 4, Điều 4 Luật Đầu tư quy định: "Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện và không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó". Nội dung về ưu đãi đầu tư được quy định theo phương án 1 là nội dung thực hiện theo quy định của Luật Dược mà không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Đây chính là ưu đãi mà ngành dược cần có để đảm bảo sự phát triển cả trong ngắn hạn cũng như trong tương lai.
ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh (TP. Cần Thơ) cũng tán thành với phương án 1 và cho rằng phương án này có tính đặc thù, đột phá và khả thi đối với ngành công nghiệp dược; đồng thời, phù hợp với các quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật Đầu tư.
Ở góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, quy định về điều kiện áp dụng ưu đãi tại phương án 1 là không khả thi. Minh chứng cho nhận định này, đại biểu chỉ rõ, lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược là phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm, thuốc generic, thuốc công nghệ cao, vaccine thành phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương...
"Đây hoàn toàn là những lĩnh vực rất hẹp. Trong khi đó, phương án 1 lại yêu cầu quy mô đầu tư rất cao, khả năng giải ngân trong 3 năm đầu tối thiểu 1.000 tỷ đồng là điều không khả thi. Đặc biệt, đối với nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, việc quy định quy mô vốn của dự án được áp dụng ưu đãi phải từ 3.000 tỷ đồng trở lên thì không thể thực hiện được". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cần phải xem xét lại nội dung điều khoản này theo hướng giảm điều kiện về quy mô vốn xuống còn 1.000 tỷ đồng.
Làm rõ đối tượng được hưởng ưu đãi, hình thức và mức ưu đãi
Việc sửa đổi Luật Dược được kỳ vọng sẽ có những chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp dược trong nước đạt được các mục tiêu như Quyết định 376/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Trong đó có mục tiêu thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự.
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (TP. Hà Nội) đặt vấn đề, đối với các quy định về ưu đãi thuốc trong mua thuốc tại khoản 4 Điều 7 dự thảo Luật có trường hợp để được ưu đãi thì rất khó khả thi và gần như không có trên thực tế, như thuốc biệt dược gốc được chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. "Quy định ưu đãi trong dự thảo Luật không có tính chất thúc đẩy, khuyến khích sự phát triển của công nghiệp dược trong nước, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của ngành dược".
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cũng cho rằng, một số chính sách còn chưa rõ ràng, khoản 5 Điều 7 dự thảo Luật quy định ưu đãi về thủ tục hành chính đối với thuốc mới, thuốc hiếm, thuốc công nghệ cao nhưng trong dự thảo Luật, kể cả dự thảo Nghị định ban hành kèm theo không quy định ưu đãi cụ thể như thế nào, rút ngắn về thời gian cấp phép hay tạo thêm “luồng xanh” cho các đơn vị đủ điều kiện?
Hay như quy định tại khoản 10 Điều 7 dự thảo Luật về chính sách ưu đãi đầu tư hỗ trợ phát triển hệ thống cung ứng thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc lưu động cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt, khó khăn. Dự thảo Luật không có quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho cơ sở bán lẻ thuốc lưu động. Trong khi đó, mô hình cơ sở bán lẻ thuốc lưu động để phục vụ đồng bào ở miền núi, vùng cao tại các phiên chợ hay lễ hội rất phù hợp thì lại không có quy định pháp luật để thực hiện.
Xuất phát từ những vấn đề trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị, cần có những quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi, hình thức ưu đãi, mức ưu đãi thì các chính sách nêu ra mới thực chất và có tính khả thi.