Trong 2 ngày (10, 11.10), Đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Ngô Thị Minh đã làm việc, khảo sát tình hình thực tế tại tỉnh Lào Cai.
Khoảng cách về chất lượng giáo dục được thu hẹp
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Thắng Lê Quang Hưng cho biết, Trường THPT số 1 Bảo Thắng đã tích cực thực hiện đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023, ngay từ năm học 2021-2022 nhà trường đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục, xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp với điều kiện của nhà trường.
Hàng năm, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt gần 100%, số học sinh đỗ đại học đạt từ 30-45%, số học sinh học nghề tăng lên đạt gần 30%.
Thực hiện việc sắp xếp lại quy mô trường lớp, số lớp của Trường THPT số 1 Bảo Thẳng giảm từ 30 lớp (năm học 2017-2018) xuống 26 lớp (năm học 2023-2024). Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng nhà trường, việc giảm giảm số lớp dẫn tới số học sinh trên lớp tăng lên ảnh hưởng tới việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng và nhất là đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giờ học.
Trong 10 năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên Trường THPT số 1 Bảo Thắng đều đạt chuẩn và trên chuẩn, số lượng giáo viên đạt trên chuẩn tăng lên. Cũng trong 10 năm nhà trường đã cử 7 giáo viên với nhiều lượt biệt phái, tăng cường và hỗ trợ giáo viên các trường THPT khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bảo Thắng Bùi Thị Hải Vân cũng cho biết, giai đoạn 2013-2023, huyện Bảo Thắng đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học. Đến nay toàn huyện không còn phòng học tạm, học nhờ. Bước đầu trang bị cho các trường những phương tiện, đồ dùng dạy học hiện đại. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện có 68/73 trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất (đạt tỉ lệ 93,1%; tăng 9,8% so với năm 2013).
Trong 10 năm từ 2013 đến 2023, toàn huyện duy trì tốt 18 trường chuẩn quốc gia và xây mới được 40 trường chuẩn, nâng tổng số trường học đạt chuẩn trong toàn huyện hiện nay lên 58/73 trường, đạt tỉ lệ 79,45%. Thực hiện chủ trương xóa bỏ điểm trường lẻ, đưa học sinh về học ở trung tâm để nâng cao chất lượng, trong 10 năm, huyện Bảo Thắng đã sáp nhập 1 cặp trường mầm non, 6 cặp trường tiểu học, xóa tổng số 49 điểm trường lẻ.
10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, chất lượng giáo dục ở các cấp học có nhiều chuyển biến rõ nét, thực chất. Thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn. Kết quả học sinh đạt giải trong các cuộc thi được duy trì bền vững tăng so với giai đoạn trước. Các hoạt động đổi mới được triển khai đồng bộ, đạt kết quả nổi bật như giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong học sinh.
Có thể thấy Giáo dục và đào tạo của tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân về giáo dục và đào tạo được nâng lên rõ rệt. Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai Dương Bích Nguyệt khẳng định, chất lượng giáo dục toàn diện của Lào Cai đã có bước tiến bộ vững chắc. Giáo dục mầm non tiếp tục được quan tâm đầu tư; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được nâng lên rõ rệt. Giáo dục tiểu học ổn định về số lượng, quy mô; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên qua việc áp dụng nhiều mô hình giáo dục mới.
Đề nghị bổ sung chính sách cho các nhà giáo
Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, báo cáo của tỉnh Lào Cai cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế. Đó là, chưa chú ý đến đánh giá, dự báo tình hình để chủ động, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên chưa được giải quyết hiệu quả, vẫn thiếu giáo viên ở các cấp học nhất là giáo viên dạy các môn chuyên biệt, có thời điểm giáo viên xin nghỉ việc nhiều. Chất lượng giáo dục đại trà có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa có nhiều sáng tạo, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế được tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, đó là một số cấp uỷ, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác đối mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xem đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong một số việc, ở một số giai đoạn chưa thật đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.
Từ thực tế triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã có những kiến nghị cụ thể tới Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD-ĐT và các Bộ, ngành liên quan. Trong đó, với Ban Bí thư, tỉnh Lào Cao đề nghị ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW; xem xét, ban hành Nghị quyết về chính sách tiền lương cho các nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Lưu ý quyền được học tập, bảo đảm công bằng trong giáo dục
Tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ Lào Cai, đại diện các đơn vị của Bộ GD-ĐT và các Sở, ngành, đơn vị của tỉnh Lào Cai đã có những trao đổi làm rõ một số vấn đề xung quanh giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp, quy hoạch trường lớp, đặc biệt là ở vùng khó khăn; giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên; giải pháp cho việc dạy văn hoá trong trường nghề ở các trường cấp huyện; vấn đề phân luồng, hướng nghiệp sau THCS…
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh lại quan điểm, những nhiệm vụ giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TW với yêu cầu, mỗi cấp quản lý giáo dục, mỗi trường học phải thật sự thấm nhuần, có như vậy mới có thể triển khai sâu rộng và hiệu quả những nhiệm vụ của Nghị quyết.
Đồng thời, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận, nhiều mô hình của Lào Cai thể hiện tính sáng tạo, đổi mới có thể nhân rộng trong cả nước. Việc sắp xếp mạng lưới, quy hoạch trường lớp được làm quyết liệt. Coi trọng việc quy hoạch, đào tạo đội ngũ nhà giáo. Lào Cai cũng là một trong những đơn vị coi trọng và làm tốt công tác chuyển đổi số trong giáo dục.
Tuy nhiên, cần đánh giá đầy đủ sự vào cuộc và vai trò phối hợp của các các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị -xã hội, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và toàn xã hội thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW…
Đồng thời, Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý tỉnh Lào Cai cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, quan tâm tới quyền được học tập, bảo đảm công bằng giáo dục; bảo đảm an toàn trường học; tiếp tục đầu tư có chiều sâu về đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên; tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch, sắp xếp trường lớp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tốt nhất cho dạy và học…