Kiểm soát và bảo đảm an ninh lĩnh vực kinh tế
Tán thành với các nguyên tắc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định khi lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng kiến nghị Quốc hội cần quan tâm giao cho Chính phủ hoặc các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu xây dựng, ban hành luật an ninh về kinh tế bởi nguy cơ về việc đe dọa đến chủ quyền quốc gia thông qua các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế đã hiển hiện. Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề cập hàng loạt nguy cơ khác cho thấy cần phải có luật về an ninh kinh tế. Đơn cử như: Nguy cơ gây bất ổn về cân đối vĩ mô thông qua các chỉ số về tăng trưởng đầu tư công, an toàn chính sách tài khóa; nguy cơ thông qua các dự án hợp tác quốc tế để lẩn trốn âm mưu cá nhân, lợi ích nhóm nhằm thao túng kinh tế; nguy cơ tham nhũng từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất đai; nguy cơ an ninh về môi trường thông qua các dự án đầu tư, hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là các khu công nghiệp, xả thải ra môi trường vô tội vạ, đe dọa đến môi trường sống, tính mạng của nhân dân hay nguy cơ an ninh về văn hóa, xét từ góc độ hợp tác đầu tư với nước ngoài.
Đại biểu cũng chỉ rõ, sau đại dịch Covid-19, "bản đồ" chính trị, kinh tế thế giới đang được "vẽ lại", các lỗ hổng về toàn cầu hóa cũng đã bộc lộ qua đại dịch. Thực tế này buộc các quốc gia phải thắt chặt an ninh kinh tế theo cách riêng của mình, bảo đảm nội lực để ngăn chặn những tác động xấu từ ngoại lực, bảo đảm an toàn về thị trường trong nước dưới tác động của dịch bệnh... Một đạo luật về an ninh kinh tế, theo đại biểu Lê Thanh Vân, có thể là một tập hợp các quy định hiện đang nằm rải rác ở các văn bản khác, chế định tất cả vấn đề mang tính nguyên tắc để xử lý các vi phạm liên quan đến an ninh kinh tế.
Đề cập đến Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng chỉ rõ, tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã chỉ đạo phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, như nghiên cứu để xây dựng các nghị định để khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư chui, đầu tư núp bóng… Trong đó có một điểm nhấn rất quan trọng là bổ sung quy định điều kiện về quốc phòng, an ninh trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương đối với các dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp…
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu tại hội trường |
Ảnh: Quang Khánh |
Chia sẻ vấn đề khiến ông lo lắng nhất là mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, vốn góp, góp vốn, đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng, tất cả hoạt động này liên quan đến những vấn đề rất nhạy cảm về quốc phòng và an ninh, có nguy cơ ảnh hưởng rất cao, trong khi đó chúng ta lại chưa có một cơ chế kiểm soát có hiệu quả hoạt động đầu tư hay giao dịch kinh doanh. Theo đại biểu, Chính phủ cần tính toán xây dựng một luật để làm thế nào bảo đảm về quốc phòng, an ninh trong lĩnh vực kinh tế. Dự luật này điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội: Một là nhóm dự án đầu tư nước ngoài; hai là, nhóm về các hoạt động đầu tư gián tiếp mua bán, sáp nhập công ty; ba là nhóm các hoạt động vay nợ, chuyển nhượng tài sản; bốn là nhóm hợp đồng mua bán lớn trong lĩnh vực như hàng không, viễn thông, điện tử. "Đấy là những lĩnh vực theo tôi trong Chương trình xây dựng luật sắp tới Chính phủ phải tính toán trình Quốc hội để kiểm soát, bảo đảm quốc phòng và an ninh trong lĩnh vực kinh tế", đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến.
Có luật riêng về thu hút đầu tư nước ngoài?
Cũng nhìn nhận ở góc độ bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia, lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần xây dựng và ban hành một đạo luật về thu hút đầu tư nước ngoài. Ông cho rằng, việc ban hành đạo luật này không chỉ phù hợp với chủ trương, định hướng chung về thu hút đầu tư nước ngoài mà còn đáp ứng yêu cầu thực tế khi hệ thống pháp luật nước ta vừa qua vẫn còn những điểm sơ hở, những chỗ trống để các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng. Có thể nhà đầu tư nước ngoài chưa hẳn có mục đích xâm phạm chủ quyền hay an ninh khi lợi dụng các điểm sơ hở của pháp luật của nước ta, song đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý “cũng không loại trừ những thế lực thù địch lợi dụng xen vào” vì điều này đã xảy ra ở các quốc gia khác. Báo cáo của Bộ Quốc phòng gửi đến Kỳ họp thứ Chín cũng đã chỉ ra hiện tượng người nước ngoài “núp bóng” để sở hữu những lô đất ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ. Việc người nước ngoài núp bóng mua đất đai những khu vực nhạy cảm cũng đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này và đã bổ sung một số quy định điều chỉnh với đầu tư nước ngoài tại nước ta. Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa “vẫn chưa đủ, chưa đúng, chưa đáp ứng được yêu cầu và tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị”. Hơn nữa, quy định tại luật hiện hành mới kiểm soát nhiều về vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào nước ta trong khi các quy định điều chỉnh với hình thức đầu tư gián tiếp vẫn còn lỏng lẻo. Do vậy, rất cần có một bộ luật để thể chế hóa Nghị quyết số 50, từ đó, có một bộ lọc đối với việc bảo vệ an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia khi xem xét cấp phép dự án đầu tư có vốn nước ngoài, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.