Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ gồm 5 mục lớn, đem đến cái nhìn tổng thể về hiện trạng thực hiện chính sách pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010 - 2016. Đáng quan tâm là mục III, đã tập chung đánh giá toàn diện việc thực hiện chính sách trên 6 mặt công tác chủ yếu, bao gồm: Chính sách tiền lương và phụ cấp; đào tạo và bồi dưỡng; tuyển dụng và quản lý; chính sách tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; chính sách tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục. Trên cơ sở đó, dự thảo Báo cáo đã có phân tích ưu điểm, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân để đưa ra kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình chủ trì tọa đàm |
Đa số ý kiến tại tọa đàm đồng tình với những vấn đề nêu ra tại Dự thảo Báo cáo, cơ bản thống nhất những nội dung đánh giá về vai trò đáp ứng ngày càng lớn yêu cầu của giáo dục; sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ nhà giáo thời gian qua. Bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn tình trạng mất cân đối về cơ cấu, thừa thiếu cục bộ trong đội ngũ nhà giáo theo cấp học, môn học, ngành học và vùng miền; chất lượng đội ngũ nhà giáo còn nhiều hạn chế; một bộ phận giáo viên đạt chuẩn hoặc trên chuẩn đào tạo nhưng năng lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn, nhất là về mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang góp ý dự thảo báo cáo giám sát |
Trước bối cảnh đó, các đại biểu nhất trí cao với kiến nghị về việc sớm xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phân tích, thực ra đây là một chủ trương của Đảng đã được chính thức đưa ra từ năm 2005, bây giờ là kiến nghị đã được đề cập nhiều lần từ các kết quả nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cũng như từ báo cáo giám sát trước đây liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật nhà giáo. Thực tế thực hiện chính sách, pháp luật nhà giáo hiện nay cho thấy đây là yêu cầu cấp thiết, không thể trì hoãn được nữa…
Bên cạnh đó, dựa trên so sánh, đối chiếu văn bản luật liên quan và tình hình thực tiễn, nhiều ý kiến cũng chỉ ra vấn đề cần lưu ý trong báo cáo như: Cần đưa ra dẫn chứng cụ thể cho những nhận định, đánh giá về tình hình đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hiện nay; bổ sung phân tích sâu sắc hơn về đội ngũ giáo viên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; nhấn mạnh kiến nghị xây dựng và ban hành chương trình/kế hoạch tổng thể cho việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hướng tới mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2010 - 2020 làm căn cứ giám sát…