Vì sao tỷ lệ thực hiện kết luận kiểm toán còn thấp?
"Tôi đề nghị công khai, minh bạch hoạt động kiểm toán. Dường như gần đây hoạt động này chưa được như kỳ vọng. Công khai là một vũ khí rất quan trọng của kiểm toán. Một mặt, nó là sức ép công luận rất lớn để siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính, ngân sách và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Mặt khác, thông qua công khai kết quả kiểm toán, người dân và xã hội cũng giám sát trở lại hoạt động kiểm toán. Kết quả kiểm toán được đưa ra công khai, minh bạch có tác dụng rất tốt cho hoạt động kiểm toán. Vấn đề này trong luật quy định rồi, các đồng chí cần tập trung thêm vào, nhất là báo cáo kết quả kiểm toán thường niên, công bố trên website, họp báo và nhiều cách khác..."
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), từ đầu năm đến ngày 31.8, tổng hợp sơ bộ đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật. Các đơn vị đã thực hiện 30.834 tỷ đồng, đạt 49,9% so với kiến nghị của KTNN, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều đơn vị KTNN không kiểm tra trực tiếp theo dự kiến.
Liên quan đến vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu thực tế, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN vẫn ở mức thấp trong 3 năm gần đây (tính đến thời điểm tháng 8 hàng năm). Cụ thể, năm 2018 tỷ lệ thực hiện chỉ đạt 51,3%; năm 2019 là 55,9%; năm 2020 là 49,9%. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần đề nghị KTNN phải lưu ý đến vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần ngồi lại với KTNN để có những giải pháp khắc phục", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói. Trong đó, một trong những giải pháp được bà Lê Thị Nga nhấn mạnh là phải công khai những đơn vị không thực hiện kết luận kiểm toán và báo cáo Quốc hội danh sách những đơn vị không thực hiện kết luận của KTNN.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị, cần làm rõ trong 67 văn bản pháp luật được KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi thì tỷ lệ văn bản phải bổ sung, tỷ lệ văn bản phải thay thế là bao nhiêu, do cấp nào ban hành? Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ danh sách này và đồng tình với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp về việc KTNN cần công khai các địa chỉ, tổ chức, cá nhân ban hành văn bản chưa đúng thẩm quyền, sai về nội dung, cần khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong vấn đề này để kiến nghị của KTNN được thực hiện nghiêm túc hơn.
Có biểu hiện nương nhẹ, thiên về xử lý hành chính
Theo báo cáo của KTNN, trong 8 tháng năm 2021, cơ quan này đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 151 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương tình công tác. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách lại nói rằng KTNN đã chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, “cho dù 1 vụ hay 5 vụ thì số hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra cũng là rất ít, có biểu hiện thiên về xử lý hành chính và có biểu hiện nương nhẹ trong việc này”. Bà Nga đề nghị, KTNN làm rõ thêm số liệu hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra là 1 vụ hay 5 vụ và tại sao sai phạm phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán thì nhiều nhưng số hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra lại ít.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, báo cáo của KTNN tuy có đánh giá kết quả thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng thuộc trách nhiệm của KTNN nhưng chưa đầy đủ và còn mờ nhạt. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị KTNN đánh giá thêm nội dung này, nhất là việc thực hiện trách nhiệm của KTNN được quy định trong các Điều 16, 21, 25, 57, 87, 88 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trong 8 tháng đã qua, KTNN cũng đã triển khai công tác thanh tra công vụ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, điều hành đơn vị và hoạt động kiểm toán tại 7 đơn vị, tiếp nhận và xử lý 28 đơn tố cáo, khiếu nại, phản ánh kiến nghị, trong đó có 27 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, một đơn thuộc thẩm quyền giải quyết. “Như vậy thì đơn thuộc thẩm quyền giải quyết theo báo cáo chỉ có 1”. Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, KTNN cần báo cáo rõ đơn này là đơn tố cáo hay đơn khiếu nại, phản ánh, kiến nghị và kết quả giải quyết như thế nào để đánh giá công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành kiểm toán trong năm qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và sắc sảo hơn, thậm chí phải trách nhiệm và quyết liệt hơn. Có những vấn đề được phát hiện trong quá trình kiểm toán thì KTNN phải mạnh dạn kiến nghị để có biện pháp chấn chỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau và bám sát quy định của pháp luật. Pháp luật đã quy định rõ chức năng, thẩm quyền của KTNN và trách nhiệm của các đơn vị được kiểm toán.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, “sắp tới có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Kiểm toán Nhà nước phải làm văn bản yêu cầu đơn vị được kiểm toán phải cung cấp đầy thủ thông tin, tài liệu cho các đồng chí thực hiện nhiệm vụ để tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét về dự toán ngân sách nhà nước”.