Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt 45 tỷ USD
Theo Vinatex, đơn hàng dệt may nhiều hơn nhưng giá vẫn không tăng so với giai đoạn 2022 - 2023. Đơn giá vẫn thấp hơn 20%, thậm chí là 50% (tuỳ từng mặt hàng) so với thời điểm năm 2019 - năm trước dịch Covid-19. Cùng với đó, ngành sợi 6 tháng năm 2024 được đánh giá đã có nhiều khởi sắc; so với cùng kỳ, lỗ của ngành sợi đã giảm đi 70 - 80%, nhưng đơn hàng xuất khẩu sợi sang các thị trường chính như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… đã tiệm cận mức hòa vốn, nếu tiết giảm được các chi phí trong sản xuất có thể đạt lợi nhuận.
Trước tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã phải linh hoạt chuyển đổi sang các mặt hàng sợi pha, sợi recycle vốn không phải là thế mạnh để tìm hướng đi mới tại các thị trường ngách bên cạnh sợi cotton truyền thống.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2024, vẫn còn nhiều khó khăn với ngành dệt may. Do nhu cầu hàng may mặc tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện; kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu, giành lại thị phần. Vì thế, các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của 2 năm qua chưa cải thiện.
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Dự báo năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể vượt 45 tỷ USD. Tuy vậy, khả năng nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu dệt may của Việt Nam chưa lớn, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa. Trong giai đoạn vừa qua, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may đạt khoảng 46 - 47%.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù ngành dệt may đạt được những con số xuất khẩu ấn tượng, mỗi năm một kỷ lục mới; nhưng thực chất khi chưa có một ngành sản xuất đúng nghĩa tức là sản xuất theo chuỗi với sự phát triển mạnh của công nghiệp hỗ trợ. Chỉ khi có sản xuất nội địa mạnh từ những khâu đầu tiên trong chuỗi thì giá trị gia tăng của một sản phẩm dệt may mới lớn và thực sự đóng góp cho sự phát triển toàn diện và bền vững của kinh tế Việt Nam.
Hướng tới tự chủ nguyên phụ liệu
Để ứng phó với những khó khăn, bất định của thị trường, một trong chủ trương của các cơ quan quản lý nhà nước và mong muốn của Hiệp hội Dệt may Việt Nam là thu hút vốn FDI vào phát triển khâu thượng nguồn, hướng tới tự chủ nguyên phụ liệu cho sản xuất. Tuy nhiên cho đến nay, định hướng cũng như mong muốn này chưa đạt kỳ vọng, phần lớn nguyên phụ liệu cho sản xuất doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn phải nhập khẩu.
Một số doanh nghiệp ngành dệt may phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu; theo đó, ngành dệt may cả nước đều vướng phải tình trạng xuất sợi và nhập lại vải. Nguyên nhân của vấn đề này là bởi khâu dệt, nhuộm của chúng ta còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất.
Ngành dệt may vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp, chưa chủ động trong sản xuất; việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành này.
Với thực trạng trên, theo các chuyên gia, thời gian tới, ngành dệt may cần phát triển theo hướng hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước; liên kết chặt chẽ với công nghiệp thời trang, nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ và tận dụng các FTA đã ký kết; qua đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, dần dần cải thiện năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành dệt may. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng cần tiếp tục tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh phù hợp với xu thế tiêu dùng mới.
Đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương cho rằng, cần có cơ chế nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước tăng cường liên kết kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong sản xuất nhằm "thúc" công nghiệp hỗ trợ dệt may phát triển.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần bảo đảm yếu tố; như: Khu công nghiệp tập trung sản xuất nguyên phụ liệu phải có đường giao thông thuận lợi, gắn với hệ thống cảng biển; tạo liên kết chuỗi trong dệt nhuộm gắn với các nhà máy may trong khu vực, giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm; cần có cơ chế về tài chính, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải...