Doanh thu bấp bênh, lợi nhuận sụt giảm mạnh
CTCP Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corporation) được thành lập vào tháng 7.2001, trụ sở chính hiện đặt tại số 25 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội (toà nhà Hồng Hà Center).
Các cổ đông sáng lập của doanh nghiệp bao gồm: Phan Văn Quý; Nguyễn Sỹ Thân (đã chuyển nhượng); Hoàng Anh Dũng (đã chuyển nhượng); Lê Thanh Hải (đã chuyển nhượng). Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp hiện tại là ông Phan Lê Hoàng (SN 1991, trú tại Hà Nội) với chức danh Tổng Giám đốc.
Tuy nhiên, trước khi ông Phan Lê Hoàng là người đại diện pháp luật từ cuối năm 2022, ông Phan Văn Quý từng có thời gian dài là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Theo thông tin công bố về đăng ký kinh doanh ông Phan Văn Quý và Phan Lê Hoàng trú cùng địa chỉ.

Đến hiện tại, cơ cấu cổ đông của Pacific Corporation đã có nhiều thay đổi nhưng chủ yếu vẫn nằm trong những cổ đông của “gia tộc họ Phan”. Theo đó cơ cấu sở hữu doanh nghiệp bao gồm: Phan Lê Hoàng (30%); Phan Tiến Dũng (30%); Phan Thanh Hà (30%) Lê Thị Hương Liên (5%) và Phan Văn Quý (5%).

Dữ liệu doanh nghiệp cho thấy, Pacific Corporation có đến hàng chục Công ty con và công ty liên quan, liên kết hoạt động trong các lĩnh vực về năng lượng, bất động sản nghỉ dưỡng, cảng biển…
Về tình hình kinh doanh, dữ liệu tài chính cho thấy, giai đoạn 2017-2018, doanh thu thuần của Pacific Corporation lần lượt đạt 1.391 tỷ đồng và 806 tỷ đồng, báo lãi thuần ở mức 299 tỷ đồng và 265 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 21,5% và 32,9%.
Bước sang năm 2019, doanh thu của Tập đoàn Thái Bình Dương bất ngờ sụt giảm mạnh về mức 469 tỷ đồng, trong năm này, doanh nghiệp vẫn duy trì lợi nhuận ở mức cao trên 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ giai đoạn 2020-2023, mặc dù doanh thu Pacific Corporation tăng mạnh và đạt đỉnh vào năm 2021 khi gần chạm mốc 3.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế trong suốt giai đoạn này lại thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó khi không có năm nào vượt quá 100 tỷ đồng. Đáng chú ý, vào năm 2020 dù doanh thu lên đến hơn 1.100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 18 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận chỉ đạt 1,6%.
“Ông chủ” của cảng Quốc tế Vĩnh Tân, sở hữu nhiều dự án bất động sản
Trong hệ sinh thái đa ngành của Pacific Corporation phải kể đến dự án Cảng Quốc tế Vĩnh Tân do CTCP Cảng Quốc tế Vĩnh Tân – một thành viên của Pacific Corporation – làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô 140 ha, tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng, thuộc địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Cảng Quốc tế Vĩnh Tân được khánh thành vào tháng 4.2019 với công suất 8 triệu tấn/năm. Cảng được thiết kế gồm một bến 3.000 tấn, hai bến 50.000 tấn và một bến 70.000 tấn hình thành trong tương lai.

Theo báo cáo riêng lẻ, năm 2019, CTCP Cảng Quốc tế Vĩnh Tân ghi nhận doanh thu thuần đạt 12,7 tỉ đồng, báo lỗ thuần lên tới 18,3 tỉ đồng.
Ngoài cảng biển, Pacific Corporation còn đầu tư nhiều dự án lớn khác như: Khu du lịch văn hoá nghỉ dưỡng Lạc Thuỷ tại tỉnh Hoà Bình (quy mô 120 ha), Bảo tàng Panorama Trận chiến Đà Nẵng, Nhà máy xử lý tro xỉ và sản xuất các sản phẩm cấu kiện bê tông tại Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận (quy mô 6,9 ha).

Bên cạnh đó là Tổ hợp dịch vụ công cộng thương mại kết hợp nhà ở cao cấp Tây Hồ Tây thuộc dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội (quy mô 1,8 ha). Liên quan đến Dự án này, Pacific Corporation từng có công văn khẳng định chưa có kế hoạch liên quan đến việc huy động tham gia vào dự án...
Đầu tư hàng loạt nhà máy điện
Trong lĩnh vực năng lượng, Pacific Corporation là chủ đầu tư hàng loạt dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ 1, Bình Thuận (2.000 MW), Cụm Nhà máy điện gió Getech Đắk Lắk (200 MW), Nhà máy điện gió Thuận Phong Đắk Lắk (100 MW), Nhà máy điện mặt trời Thái Phong, Bình Thuận (công suất 500 MW, quy mô 666 ha, tổng mức đầu tư 15.358 tỉ đồng), Nhà máy điện gió Thái Hoà, Bình Thuận (công suất 90 MW, quy mô 30 ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng).

Ngoài ra, Pacific Corporation còn tham gia phát triển một số dự án năng lượng khác như: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (1.200 MW), Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW), Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 (1.320 MW), cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (1.200 MW)...