Lượng đơn hàng tăng 30% so với cùng kỳ
Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%), trong đó chế biến – chế tạo tăng 9,7%. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của các bộ ngành, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại.
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn N&G thông tin, dù khó khăn sau dịch Covid-19, thiên tai nhưng với sự hỗ trợ từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã khắc phục được cơ bản về cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu đầu vào và kết nối đối tác để thúc đẩy. Theo đó, lượng đơn hàng vẫn đang đáp ứng được kế hoạch đặt ra từ đầu năm, duy trì ổn định sản xuất trong năm nay và thời gian tới.
Mặc dù bị ảnh hưởng sản xuất vì cơn bão số 3 (bão Yagi), nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trợ đã quay trở lại guồng sản xuất phục vụ các đơn hàng cả trong nước và xuất khẩu. Cùng lúc phải sản xuất hơn 40 mã hàng chi tiết công nghiệp lớn nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Intech sau khi khắc phục mái tôn bị thổi bay do bão, họ nhanh chóng quay lại guồng sản xuất, đồng thời tìm kiếm thêm các đối tác mới.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) Hoàng Hữu Yên cho hay, thị trường năm nay sôi động hơn so với năm trước nên đến tháng 9.2024, lượng đơn hàng tại Intech Group đã tăng 30% so với năm trước và đáp ứng đủ công suất đến tháng 11.2024. Những đơn hàng, dự án khi chúng tôi tư vấn cho khách hàng thì khách hàng đã triển khai và chốt rất nhanh.
Intech Group buộc phải bố trí nhân sự làm thêm và phân bố kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo đơn hàng. Lượng đơn hàng của Intech Group hiện có 70% là gia công sản xuất cho các đối tác trong nước, trong đó chủ yếu là đối tác của Nhật Bản, Hàn Quốc… còn lại để xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, cơ khí và thương mại Bình Minh chia sẻ, năng lực sản xuất của doanh nghiệp có thể đáp ứng được khoảng 100.000 sản phẩm. Lượng đơn hàng của doanh nghiệp đã đủ đến tháng 12.2024, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 20% doanh thu, cùng với đó là cung cấp cho các doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đến 2025, doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm một nhà máy mới chuyên về các sản phẩm liên quan đến đúc nhôm, kẽm, magie... phục vụ trong các ngành công nghiệp ô tô và cột điện.
Doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ, nhân sự
Để có được những kết quả trên, Tổng Giám đốc Intech Group Hoàng Hữu Yên cho biết, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại như máy gia công công nghệ cao, máy laser… cũng như kiện toàn quy trình sản xuất, chế độ giao hàng để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về nhân sự, Intech Group cũng tuyển dụng ngay từ các trường đào tạo nghề, trường đại học để đáp ứng kỹ thuật gia công cơ khí chính xác và lắp ráp.
Doanh nghiệp đầu tư công nghệ để tạo ra các sản phẩm gia công cơ khí chính xác, con lăn chuyên nghiệp; hệ thống kho Shuttle, xe tự hành, hệ thống phân loại tự động line shorting. Đây là các dòng sản phẩm, giải pháp thế mạnh của Intech Group, thu hút được sự chú ý đầu tư của đối tác, khách hàng, cũng như mở rộng thị trường. Đồng thời sẽ tạo bứt phá trong những tháng cuối năm 2024, tạo tiền đề cho năm 2025 với những giải pháp mới, cơ hội mới.
Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng nhìn nhận, những đầu tư mang tính bản lề giúp doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng cứng và những chính sách mềm cho các doanh nghiệp vận dụng được. Từ việc giữ đơn hàng và chuyển đổi sản xuất xanh phải song hành để đưa doanh nghiệp có thể đi sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài ưu đãi chính sách thuế như hiện nay để doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính tái đầu tư, bắt kịp xu hướng về công nghệ sản xuất.