Dự luật mới, bao gồm việc đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn và ly hôn, thể hiện cách tiếp cận toàn diện đối với việc đăng ký và thống kê hộ tịch, một lĩnh vực mà ít quốc gia có luật toàn diện và nhiều nước thậm chí không có bất kỳ sự hỗ trợ pháp lý nào cho CRVS.
Chính phủ Campuchia hy vọng, dự luật sẽ sớm được thông qua và đi vào cuộc sống vào tháng 7 năm nay. Để chuẩn bị cho việc triển khai này, Chính phủ đang thực hiện một chương trình đào tạo mở rộng cho các nhân viên CRVS về những điểm phức tạp của hệ thống mới. Một hội thảo gần đây đã được tổ chức cho 700 quan chức, thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc bảo đảm quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang khuôn khổ đăng ký mới.
Những nỗ lực trước đây nhằm nâng cấp hệ thống CRVS của Campuchia chủ yếu thông qua các nghị định, mà phần lớn tỏ ra chưa hiệu quả. Tính đến năm 2017, chỉ có 47% số ca tử vong ở nước này được ghi nhận, điều đó nêu bật sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn diện và mạnh mẽ hơn về mặt pháp lý liên quan đến vấn đề đăng ký và thống kê hộ tịch. Tham vọng của Chính phủ nhằm tăng cường hệ thống CRVS phù hợp với Kế hoạch chiến lược quốc gia về định danh (2017-2026).
Trước đó, trong nỗ lực hiện đại hóa hệ thống định danh của mình, Campuchia đã công bố kế hoạch phát hành phiên bản kỹ thuật số của giấy tờ tùy thân vào năm 2022. Động thái nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy cập dịch vụ trực tuyến phù hợp với Chiến lược 10 năm về tiến bộ công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia, ông Sante Bandith Mao Chandara cho biết, cải cách pháp lý trên sẽ tăng cường hệ thống quản lý định danh và đăng ký dân sự của đất nước, mang lại lợi ích cho hệ thống pháp luật và nhân quyền. Dự luật đề xuất dự kiến sẽ giảm bớt gánh nặng về bằng chứng tài liệu cần thiết để đăng ký, đồng thời cho phép đăng ký từ bất kỳ địa điểm nào trong nước.