Từ ngày 28.7 - 31.7, tính trung bình lưu lượng nước về hồ Đồng Nai 3 là hơn 327 m3/s, tương đương với gần 44 triệu m3 nước. Ngày 31.7, mực nước hồ Thủy điện Đồng Nai 3 đạt xấp xỉ 577m, thấp hơn 13m so với mực nước dâng bình thường (590m), dung tích hồ còn lại xấp xỉ 630 triệu m3 nước. Nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 3 đã tích toàn bộ lượng nước về hồ, cắt giảm lượng nước đổ về hạ lưu sông Đồng Nai.
Bên cạnh đó, Công ty Thủy điện Đồng Nai (đơn vị quản lý vận hành 2 Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, 4) đã chủ động phối hợp với Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia để điều tiết giảm lưu lượng chạy máy để cắt giảm lưu lượng nước về hạ du sông Đồng Nai và đảm bảo phát huy vai trò cắt, giảm lũ cho vùng hạ du.
Còn theo Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) - đơn vị chủ quản hồ Hàm Thuận, từ lúc 3h00 ngày 30.7, mưa lớn bắt đầu xuất hiện trên nhiều khu vực thuộc tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Trong đó, lượng mưa tại Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận và đập tràn Hàm Thuận trong ngày 30.7 lần lượt là 142,4mm và 128,8mm. Vào lúc 11h00 ngày 30.7, lũ xuất hiện trên hồ Hàm Thuận với lưu lượng về 303,88m3/s, đạt đỉnh với lưu lượng 927,1m3/s vào lúc 13h00 cùng ngày. Hồ thủy điện Hàm Thuận đã cắt toàn bộ cơn lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du các huyện Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Đến 14h00 ngày 31.7, mực nước hồ Hàm Thuận ở cao trình trên 592m, cách mực nước dâng bình thường khoảng 12,37m. Với dung tích phòng lũ hiện tại, hồ Hàm Thuận sẽ tiếp tục thể hiện vai trò điều tiết lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du tỉnh Bình Thuận khi mùa mưa trên lưu vực sông La Ngà đã vào chính vụ.
Các công ty thủy điện của EVNGENCO1 đã và đang tuân thủ vận hành điều tiết các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương và các chủ hồ khác trên lưu vực sông Đồng Nai trong việc phòng, chống lũ lụt, phát huy tốt vai trò giảm lũ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân vùng hạ du.