Cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH Dương Tuấn Quân ( Bà Rịa-Vũng) cho rằng: với 12 Chương và 121 Điều đã được Ban soạn thảo chỉnh lý, chuẩn bị, tiếp thu nhiều ý kiến chất lượng. Tuy nhiên, theo đại biểu vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo Luậtchưa đạt được sự thống nhất cao, chưa được quy định cụ thể,như các vấn đề liên quan đến: tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh; gá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; trang thiết bị y tế; chế độ chính sách đãi ngộ, thu hút đối với y, bác sỹ, viên chức ngành t tế...Việc giải quyết các bất cập, vướng mắc trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giá, Luật Đầu thầu… và lộ trình thực hiện một số nội dung lớn chưa cụ thể.
Liên quan đến cơ chế tài chính, tự chủ tài chính của bệnh viện công lập và xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Dương Tuấn Quân cho rằng: các vướng mắc trong cơ chế tài chính hiện nay tập trung vào 3 vấn đề chính là giá khám bệnh, chữa bệnh, cơ chế tự chủ bệnh viện công lập, đấu thầu. Các căn cứ, cơ sở pháp lý về cơ chế tự chủ hiện nay trong lĩnh vực y tế với bệnh viện công lập thiếu và chưa đầy đủ; đầu tư theo hình thức đối tác công tư, liên doanh, liên kết, về việc sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập chưa có quy định. Huy động nguồn thu để thực hiện tự chủ đối với bệnh viện tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn; bên cạnh đó chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở chưa tốt, người dân không mong muốn sử dụng dịch vụ y tế tại tuyến dưới, yêu cầu chuyển tuyến để sử dụng dịch vụ các bệnh viện tuyến trên, nên nguồn thu bệnh viện tuyến dưới có rất nhiều bất cập, khó cân đối trong thực hiện cơ chế tự chủ.
Việc giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các cơ sở y tế còn chưa phù hợp, bảo đảm. Thuốc và vật tư y tế, hiện các bệnh viện đang loay hoay không biết mua sắm thế nào cho đúng. Hiện nay, các bệnh viện không chỉ là thiếu thuốc mà sắp tới một số trang thiết bị y tế hư sẽ không thể sửa được. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo xem xét thấu đáo các vấn đề trên, thực hiện rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Về chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, chuyên gia, chế độ đãi ngộ, cơ chế, chính sách tiền lương đối với y bác sỹ, viên chức y tế, đại biểu Dương Tuấn Quân cũng cho rằng chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc của ngành y tế. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: "Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt". Do đó, đại biểu đề nghị cần luật hóa bổ sung, chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, y bác sỹ và nhân viên y tế vào Luật. Trước mắt, đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, cân nhắc tăng phụ cấp nghề lên 80 - 100% đối với nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; điều chỉnh tăng phụ cấp thường trực đối với cán bộ y tế.